Nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình Artemis của NASA kết thúc với nhiều hình ảnh đẹp mắt từ khoảnh khắc tên lửa SLS 98 m thắp sáng trời đêm tới cận cảnh bề mặt Mặt trăng.
9 ngày trước khi cất cánh, tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA đứng sừng sững giữa bầu trời hoàng hôn ở Florida tại bệ phóng 39A ở Trung tâm vũ trụ Kennedy. (Ảnh: NASA/Joel Kowsky)
Vài giây sau khi khai hỏa, SLS bắt đầu hành trình tới Mặt trăng hôm 16/11/2022 và thắp sang bầu trời đêm với động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Quá trình khai hỏa tên lửa SLS mạnh đến mức phá hỏng giàn phóng di động. (Ảnh: NASA/Joel Kowsky).
Khoảng một phút sau khi cất cánh, động cơ đẩy cực mạnh của SLS tạo ra vệt khói khổng lồ trên bầu trời với Mặt trăng lơ lửng cách đó không xa. SLS là tên lửa mạnh nhất cất cánh thành công, tạo ra lực đẩy 3,9 triệu kg. (Ảnh: NASA/Keegan Barber)
Ngày 16/11/2022, ngày đầu tiên của nhiệm vụ, tàu vũ trụ Orion chụp ảnh Trái đất từ không gian sâu. Bức ảnh được chụp bằng camera trên pin quang năng của Orion trong khi con tàu ở cách Trái đất 91.732 km và trên đường bay tới Mặt trăng. (Ảnh: NASA).
Vào ngày thứ 13 của nhiệm vụ, tàu Orion đạt khoảng cách xa nhất tính từ Trái đất (432.210km). Tàu Orion bay xa khỏi Trái đất hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào dùng để chở người, phá vỡ kỷ lục của nhiệm vụ Apollo 13. (Ảnh: NASA).
Hôm 5/12, vào ngày thứ 20 của nhiệm vụ Artemis 1, tàu Orion chụp cận cảnh bề mặt Mặt trăng. NASA lên kế hoạch đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng với nhiệm vụ Artemis 3 sớm nhất vào năm 2025, hạ cánh gần cực nam. (Ảnh: NASA).
Ngày 21 của nhiệm vụ, hôm 5/12, tàu Orion "nhìn lại" Mặt trăng sau khi bay vòng quanh thiên thể này và bắt đầu hành trình trở về Trái đất. Trong suốt nhiệm vụ, tàu Orion sử dụng camera định vị để quan sát Trái đất và Mặt trăng ở những giai đoạn và khoảng cách khác nhau. Những bức ảnh này giúp NASA phân tích hiệu quả hệ thống định vị quang học của tàu Orion dưới từng điều kiện ánh sáng để xác định cách sử dụng hệ thống trong nhiệm vụ tương lai. (Ảnh: NASA).
Vật chỉ thị không trọng lực của NASA, một con thú nhồi bông hình chó Snoopy trong bộ đồ phi hành gia màu cam, trôi nổi bên trong khoang tàu Orion trong khi ánh đèn màu chớp lóe. Chỉ huy Moonikin Campos, mannequin trang bị cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường bức xạ trong không gian sâu, cũng ở trong khoang tàu. Campos sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra cách bảo vệ phi hành gia tốt nhất khỏi bức xạ trong nhiệm vụ tương lai. Ở giữa khoang tàu là Callisto, thiết bị do Lockheed Martin hợp tác chế tạo với Amazon để kiểm tra công nghệ hỗ trợ kỹ thuật số kích hoạt bằng giọng nói trên tàu Orion. (Ảnh: NASA).
Vài phút trước khi tàu Orion rơi trở lại khí quyển Trái đất ở tốc độ 40.000km/h, con tàu chụp bức ảnh cuối cùng của Trái đất từ không gian sâu. Tấm chắn nhiệt của tàu chịu nhiệt độ lên tới 2.800 độ C khi rơi qua khí quyển, bằng gần một nửa nhiệt độ bề mặt Mặt Trời. (Ảnh: NASA).
Vào 0h40 ngày 12/12 theo giờ Hà Nội, tàu Orion hạ cánh xuống Thái Bình Dương cách tàu trục vớt USS Portland của Hải quân Mỹ 9,3km. (Ảnh: NASA/Kim Shiflett)