Tạp chí Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS) vừa công bố top 10 đột phá khoa học trong năm 2014.
Các biên tập viên của AAAS lựa chọn vị trí đầu tiên đột phá khoa học trong những năm trước đó là khám phá “hạt của Chúa” (2012), liệu pháp miễn dịch ung thư (2013).
Năm nay, sự kiện robot đáp lên sao chổi tìm hiểu sự sống đứng đầu danh sách.
Video giới thiệu top 10 đột phá khoa học trong năm 2014 của AAAS - (Nguồn: You Tube)
Tàu vũ trụ châu Âu Rosetta của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã làm nên lịch sử khi phóng thành công robot Philae lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Đây là thiết bị vũ trụ đầu tiên trên thế giới đáp thành công xuống một sao chổi.
Các nhà khoa học xác nhận Philae đã phát hiện các “phân tử hữu cơ” có chứa carbon - cơ sở của sự sống trên Trái đất trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.
Các nhà khoa học tại ĐH Edinburgh (Scotland) và ĐH Oxford (Anh) đã xây dựng thành công cây gia phả toàn diện nhất từ trước đến nay về quá trình tiến hóa từ loài khủng long đến loài chim hiện đại sau khi họ nghiên cứu, so sánh những đặc điểm hình thái của 850 bộ phận trên cơ thể của 150 loài khủng long và các loài chim đã tuyệt chủng.
Công trình nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ cho thấy có thể “đảo ngược” tuổi già ở chuột bằng cách thay máu - tiêm máu của chuột trẻ cho chuột già.
Kết quả cho thấy chức năng não của chuột tiếp nhận nguồn máu trẻ được cải thiện đáng kể qua các trắc nghiệm về nhận biết và ghi nhớ, “mở đường” cho những nghiên cứu ở con người về cải thiện quá trình lão hóa tuổi già.
Các nhà khoa học ĐH Harvard (Mỹ) chế tạo thành công một đội quân 1.000 robot tí hon biết tổ chức hợp tác, làm việc theo nhóm tựa như đàn kiến hay ong để thực hiện những màn tạo hình hoặc di chuyển đồng bộ. Đội quân robot này có tên gọi Kilobots, được cho là lớn nhất từ trước đến nay.
Mỗi robot có 3 chân và có kích cỡ tương đương một đồng xu, với khả năng làm việc hợp tác mở ra hi vọng giúp con người thực hiện các nhiệm vụ khó khăn trong tương lai, chẳng hạn “chui” vào đống đổ nát tìm kiếm nạn nhân sau một trận động đất.
Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM có trụ ở tại Mỹ đã phát triển bộ vi xử lý mới, được gọi là chip TrueNorth có khả năng “bắt chước” bộ não con người.
Chip TrueNorth kết hợp 5,4 tỷ bóng bán dẫn, có 1 triệu tế bào thần kinh và 256 triệu khớp thần kinh có thể lập trình với mục đích điều khiển các thiết bị như chủ động đưa ra cảnh báo sóng thần, giám sát dầu tràn hoặc thi hành qui tắc luồng tàu.
Các nhà khoa học Úc và Indonesia đã “vén màn bí ẩn” những bức tranh vẽ trên hang động được tạo ra bởi người tiền sử ở đảo Sulawesi, Indonesia, được cho là cách đây ít nhất 40.000 năm, điều này cho thấy châu Âu không phải là nơi sản sinh ra khả năng sáng tạo nghệ thuật trừu tượng của con người như vẫn nghĩ trước đó.
Tác phẩm hội họa cổ xưa này bao gồm những hình vẽ về động vật và các mẫu bàn tay trên vách các hang động đá vôi ở Sulawesi, được phát hiện cách đây 50 năm nhưng đến ngày nay mới xác định được niên đại của chúng.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tế bào gốc của ĐH Harvard (Mỹ) công bố bước đột phá quan trọng việc phát hiện những yếu tố mà khi cho vào môi trường nuôi cấy tế bào gốc sẽ chuyển chúng thành những tế bào β tụy thực hiện được chức năng trong vài tuần, mở ra hi vọng vào tế bào gốc để điều trị bệnh tiểu đường.
Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh họ có thể biến những bộ phim khoa học viễn tưởng thành sự thật, ít nhất ở thí nghiệm “xóa ký ức” loài chuột bằng kỹ thuật quang - di truyền optogenetics, mở ra kì vọng mới về nghiên cứu trí nhớ của con người.
Vệ tinh mini CubeSat, tương đương chiếc hộp nhỏ có kích thước 10cm x 10cm và nặng khoảng 1,3kg - được ứng dụng cách đây hơn 1 thập kỷ và nhanh chóng được ưa chuộng bởi tính năng hiện đại và chất lượng.
Trong năm 2014, có hơn 75 vệ tinh CubeSat được phóng lên không gian thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như chụp ảnh Trái đất hay giám sát hoạt động phá rừng.
Các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu The Scripps, bang California (Mỹ) công bố bổ sung 2 chữ cái vào mã di truyền, dựa trên thử nghiệm thay đổi cấu trúc vi khuẩn Escherichia coli khiến nó hợp nhất và tái tạo hai thành phần ADN không có trong tự nhiên (gọi là X và Y).
Thử nghiệm này cho thấy những chữ cái A, T, G và C trong ADN, đã tồn tại hàng trăm triệu năm, có thể được mở rộng thông qua sự can thiệp của con người.
Phát hiện này sẽ tạo ra nhiều ứng dụng trong tương lai chẳng hạn như chế tạo các loại thuốc mới và các loại protein mà với bốn mã di truyền như hiện nay không thể thực hiện được, tuy nhiên cũng đang gây ra những tranh cãi, lo ngại xung quanh sự can thiệp vào ADN cũng như khả năng tạo ra những sinh vật nhân tạo.