10 loài động vật mới "kỳ dị" nhất năm 2010

  •  
  • 6.736

Tạp chí National Geographic vừa công bố danh sách 10 loài động vật mới được phát hiện kỳ dị nhất năm 2010, trong đó có loài thằn lằn sinh sản vô tính Leiolepis ngovantrii ở Việt Nam.

1. Loài đỉa có răng ở sông Amazon

 

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện một loài đỉa mới, rất đáng sợ sống ở lưu vực sông Amazon và được đặt tên theo loài khủng long bạo chúa Tyrannobdella rex do có răng khổng lồ. Đỉa Tyrannobdella rex có một cơ thể nhỏ bé, chiều dài chưa đầy 5cm và bề ngang khoảng 1cm, nhưng răng của nó thì khổng lồ, dài tới 0,013cm và mọc trên một chiếc hàm duy nhất, không giống bất kỳ loài đỉa nào khác.

2. Loài bạch tuộc màu tía

 

Hình ảnh con bạch tuộc màu tía hiếm thấy trên là một trong 11 loài sinh vật mới được phát hiện trong năm 2010 tại vùng biển Đại Tây Dương (ngoài khơi Canada). Chúng có kích thước khá nhỏ so với những loài bạch tuộc khác và thường sống ở những vùng nước sâu hơn 1km cũng như vô cùng lạnh giá ở ngoài khơi vùng biển Canada.

3. Loài dơi giống người ngoài hành tinh

 

Một con dơi ăn quả với chiếc mũi hình vòi đôi rất giống với nhân vật ngoài hành tinh Jedi Master Yoda trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Chiến tranh giữa các vì sao", vừa được phát hiện trong một khu rừng nhiệt đới hẻo lánh. Loài dơi ăn quả này, cùng với giống nhện màu cam và loài ếch có màu vàng khác biệt, là một trong những sinh vật mới được phát hiện lần đầu trong khu rừng thuộc Papua New Guinea.

4. Loài ốc sên vàng xanh ở Malaysia

 

Loài ốc sên Ibycus với hai màu vàng và xanh được phát hiện trên những lá cây tại khu rừng độ cao 1.900 mét ở Sabah, Malaysia. Chúng có đuôi dài 4cm, gấp ba lần chiều dài của đầu. Khi giao phối, loài ốc sên này thường bắn nọc độc chứa canxi cacbonat vào bạn tình của chúng. Các nhà khoa học tin rằng cách giao phối kỳ lạ này nhằm giúp tăng khả năng thụ tinh thành công của loài ốc sên Ibycus.

5. Loài khỉ hắt hơi khi trời mưa

 

Các nhà khoa học thuộc Tổ chức bảo tồn Fauna & Flora International (FFI) đã phát hiện ra loài khỉ mũi hếch mới, có tên khoa học là Rhinopithecus strykeri, tại một khu rừng trên độ cao hơm 3000m so với mặt nước biển ở phía bắc Myanmar, gần biên giới với Trung Quốc. Loài khỉ mới được phát hiện này có chiều cao khoảng 60 cm và đuôi dài hơn cả thân. Điểm đặc biệt của chúng là không có sống mũi và thường bị hắt hơi rất nhiều khi trời mưa. Vì thế, những người dân địa phương có thể dễ dàng nhận ra loài khỉ này khi trời mưa. Để tránh bị hắt hơi, chúng thường phải cúi mặt vào hai đầu gối khi trời mưa.


6. Loài cá ăn gỗ ở Amazon

Trong một chuyến thám hiểm tại rừng quốc gia Alto Purus (Peru), các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học quốc gia Mỹ đã phát hiện ra loài cá kỳ lạ có khả năng gặm gỗ từ các thân cây đổ xuống dưới nước. Loài cá này có chiều dài cơ thể vào khoảng 70 – 80cm và được bao bọc bởi lớp vảy cứng, dày như một bộ áo giáp sắt. Điểm đặc biệt về loài cá này là, chúng không tiêu hóa gỗ mà chỉ hấp thụ các loại chất hữu cơ có ở trong gỗ như tảo, các loại thực vật, động vật nhỏ sống bám trên gỗ. Phần gỗ còn lại sẽ bị thải loại ra khỏi cơ thể.

7. Cóc “Simpson”

 

Khi đang sục sạo trong một khu rừng tại miền Tây Colombia hồi tháng 9/2010, các nhà khoa học đã phát hiện ra 3 loài lưỡng cư hoàn toàn mới, kể cả loài cóc có mũi như một chiếc mỏ này. Nó có mỏ dài, nhọn và rất giống với nhân vật Burn – vai phản diện trong loạt phim truyền hình Gia đình Simpson. Cóc "Simpson" chỉ dài 2 cm này và được cho là một trong những loài lưỡng cư kỳ lạ nhất. Chúng có tập tính sinh sản kỳ lạ: bỏ qua giai đoạn nòng nọc. Con cái đẻ trứng trên tầng thấp của rừng mưa và sau đó trứng nở thành ếch con (có đầy đủ các bộ phận giống như ếch trưởng thành).

8. Loài thằn lằn sinh sản vô tính mới ở Việt Nam

Các nhà khoa học thuộc trường đại học La Sierra tại (Mỹ) đã tình cờ phát hiện một loài thằn lằn sinh sản vô tính mới ở Việt Nam. Loài thằn lằn mới này được đặt tên là Leiolepis ngovantrii. Chúng có khả năng sinh sản mà không cần con đực. Điều này có nghĩa, các thằn lằn cái sẽ sinh ra những đứa con có bộ gen giống hệt mẹ. Đây không phải là một hiện tượng hiếm ở loài thằn lằn vì có khoảng 1% loài này có thể tự sinh sản.

Loài thằn lằn Leiolepis ngovantrii có chiều dài thân khoảng 11,5cm. Trên lưng chúng có các đốm nâu trắng nhạt hình mắt lưới, rải đều từ sau gáy và nhỏ, nhạt dần ở cuống đuôi. Hai sọc màu vàng nhạt chạy song song hai bến sống lưng. Màu sắc như trên giúp thằn lằn Leiolepis ngovantrii có thể dễ dàng hòa lẫn với màu của nền rừng vào mùa khô để tránh kẻ thù.

9. Sâu mực

 

Nên gọi loài này là sâu, hay là mực? Ban đầu các nhà khoa học rất khó đặt tên bởi chúng có lông trên các chân để bơi và có xúc tu trên đầu. Loài này lại có kích thước nhỏ xíu, nên cái tên sâu mực có lẽ là hợp lí nhất. Được tìm thấy ở độ sâu 2,8 km dưới biển Celebes, sinh vật dài 10cm này là thành viên đầu tiên của gia đình sâu lớp Polychaeta mới tiến hóa.

10. Loài cá màu hồng biết đi ở Australia

 

Con cá màu hồng trong bức hình này đang dùng những chiếc vây giống hệt như hai cánh tay để bò dưới đáy biển chứ không phải bơi như những loài cá thông thường. Đây là một trong 9 loài cá mới được phát hiện hồi tháng 5 vừa qua. Chỉ 4 con cá loại này từng được nhìn thấy và con cuối cùng được phát hiện trên bán đảo Tasman vào năm 1999. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung Australia (CSIRO) cảnh báo, những loài cá hiếm này có thể bị tuyệt chủng nếu không được bảo vệ kịp thời.

Theo Vietnamnet, National Geographic
  • 6.736