Tất cả trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 được phát hiện từ đầu năm đến nay đều không thể qua khỏi.
|
Ảnh minh họa |
Tại hội thảo đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống giám sát cúm quốc gia, hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, tỷ lệ tử vong do cúm A(H5N1) ở Việt Nam rất cao. Năm 2009, tỷ lệ này là 100%.
Nguyên nhân là việc giám sát phát hiện cúm gia cầm ở động vật còn kém, bệnh nhân chậm đến các cơ sở y tế sau khi bệnh khởi phát. Tại tuyến dưới, công tác chẩn đoán chưa kịp thời, dẫn đến việc chậm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Phần lớn các ca bệnh này tản phát, riêng biệt ở các tỉnh khác nhau và đều tiếp xúc gần với gia cầm ốm chết.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện Pasteur TP HCM, cho rằng, sự phối hợp giữa thú y và y tế chưa tốt. Về nguyên tắc, cúm gia cầm xuất hiện trước, sau đó mới xuất hiện trên người. Tuy nhiên, thực tế vừa qua phải phát hiện cúm trên người trước rồi mới điều tra dịch tễ phát hiện có cúm trên gia cầm. Theo ông Hữu, cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phòng ngừa đại dịch xảy ra.
Tình hình dịch cúm A(H1N1) vẫn diễn biến phức tạp, lây lan trọng cộng đồng. Kết quả giám sát tại 15 điểm thuộc trọng điểm quốc gia cho thấy, tỷ lệ các ca cúm dương tính với H1N1 vẫn cao. Số ca dương tính với các loại cúm trên tổng số xét nghiệm là 23% - 60%, trong đó 80% - 90% là cúm A(H1N1). Sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, dịch đã lan ra hầu hết các địa phương, có thời điểm 96,5% các ca nhiễm cúm được phát hiện là H1N1.