Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong vòng vài thế kỷ tới, người ta sẽ không thể đọc được khi cầm trên tay một cuốn sách viết từ cách đó khoảng vài chục năm?
Có một thực tế là càng ngày, kỹ năng đọc của của con người càng giảm. Và tương lai không xa, một buổi sáng bạn thức dậy, bạn sẽ đọc được một mẩu tin như sau: "Ngày… năm 2025, các nhà chức trách và nhà nghiên cứu giáo dục lại tiếp tục than phiền vì kết quả một nghiên cứu họ vừa nhận được: Dưới 5% sinh viên đại học có thể đọc một cuốn sách phức tạp, và suy luận từ đó".
Ngày nay, khả năng đọc những đoạn văn bản dài nhiều cấu trúc của những người trẻ ngày càng giảm đi. Đơn giản vì trong hầu hết các trường hợp mà họ phải tiếp xúc ở cuộc sống hằng ngày, chẳng bao giờ họ cần đến những đoạn hội thoại hay văn bản như thế.
Đã đến lúc phải chấp nhận sự thật là một môi trường sống đa phương tiện của năm 2025 ở các nước phát triển như Mỹ sẽ làm cho con người không cần huy động bộ nhớ nhiều như bây giờ. Có thể họ chỉ cần nhớ khoảng 100 từ một lúc, và tất nhiên họ sẽ không thể đọc những cuốn sách dài dòng với nhiều lý luận theo kiểu cũ.
Tất nhiên, nói rằng con người không biết đọc không có nghĩa chúng ta mù chữ hoàn toàn. Thế nhưng ngày nay, những người trẻ có quá nhiều cách để hiểu và diễn đạt thông tin mà không cần đọc hay viết quá nhiều. Họ có thể đọc các ký hiệu, nhãn hiệu, và viết những mẩu email ngắn, những tin nhắn mà không cần ngữ pháp hay phát âm chính xác.
Ngoài ra, sự phát triển rầm rộ của các website với những mẩu quảng cáo, logo, với những phương tiện truyền tải thông tin nghiêng về âm thanh và hình ảnh cũng là vấn đề đáng nói. Trước khi một bài viết được đăng lên trang, người biên tập cần xem xét làm sao để diễn đạt thông tin này bằng âm thanh và hình ảnh một cách hiệu quả nhất. Họ cũng cần chắc chắn rằng mỗi câu chữ trong văn bản được đăng lên không chứa đựng nhiều hơn một ý nghĩa.
Vào năm 2025, những công nhân cần làm việc với văn bản đã có thể yên tâm. Họ sẽ dễ dàng sử dụng các loại phần mềm phân tích chính tả, ngữ pháp, phần mềm chuyển từ văn bản sang tiếng nói… Họ có thể tạo lập văn bản, chỉnh sửa, nghe tài liệu... mà không cần đến bất cứ kỹ năng đọc hay viết nào.
Sự thật là dù xã hội có phát triển đến mấy, dù người ta có sử dụng các phương tiện nghe nhìn nhiều như thế nào, kỹ năng đọc vẫn không thể bị thay thế. Vẫn sẽ có rất nhiều ngành nghề cần đến viết, đọc, ít ra là các ngành khoa học. Tuy nhiên, với đà này, vào những năm giữa của thế kỷ 21, người ta sẽ nghĩ đến kỹ năng đọc như một viễn cảnh xa xôi, một thứ văn hoá xa xỉ, hay thứ gì đó tương tự như thế.