5 bệnh nguy hiểm tấn công người dân sau lũ

  •  
  • 886

Môi trường thường bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải từ cống rãnh, các công trình vệ sinh hòa tan trong nước. Đây là nguyên nhân khiến một số dịch bệnh bùng phát.

Những bệnh dễ bùng phát sau mưa lũ

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, sau bão lũ, có 5 nhóm bệnh lớn thường bùng phát trong các khu vực dân cư.

Thứ nhất là nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da... ; đau mắt đỏ.

3 bệnh nguy hiểm tấn công người dân sau lũ
Sau lũ, môi trường ô nhiễm khiến rất nhiều bệnh bùng phát

Bệnh mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Mắt Trung ương, các bệnh như viêm kết mạc, đau mắt hột thường xảy ra sau khi mưa bão khoảng 10 ngày. Lý do là mắt phải tiếp xúc với chất bẩn, độc hại; vi sinh vật gây bệnh cho mắt phát triển mạnh do môi trường ẩm; người dân thiếu nước sạch để sử dụng. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.

Trong đó, viêm kết mạc do adenovirus gây ra, triệu chứng gồm mắt đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Bệnh còn có thể gây sưng đau hạch trước tai, kết mạc, sụn mi có hột nổi lên, các biểu hiện khác như hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc...

Bệnh đau mắt hột có xu hướng dai dẳng, gây cộm và khó chịu mạn tính, xuất hiện hột to ở cả kết mạc mi trên và mi dưới. Nếu điều trị sai cách hoặc không dứt điểm, các hột viêm trong mắt sẽ kéo dài tới vài tháng, sau đó vỡ và để lại sẹo ở kết mạc, di chứng khô mắt. Ngoài ra còn có di chứng lông quặm, lông xiêu, là tình trạng bờ mi hoặc lông mi sai vị trí, hướng vào nhãn cầu gây tổn thương mắt. Dùng nước bẩn, khăn mặt bẩn, chậu rửa chung, hoặc tiếp xúc nhiều ruỗi, muỗi, bệnh đau mắt hột sẽ trở nặng, lông quặm chọc vào mắt gây viêm loét giác mạc, hóa sẹo hoặc loét thủng.

Điều trị viêm kết mạc bằng cách dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, sử dụng thuốc kháng sinh dạng nhỏ hoặc kháng sinh có kèm chất kháng viêm trong thời gian ngắn. Sau 7-10 ngày, bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn. Nếu mắc bệnh lâu hơn thời gian này kèm theo sợ sáng, chói mắt, nhìn mờ, có thể là dấu hiệu biến chứng nên đến bệnh viện để khám.

Vệ sinh mắt thường xuyên và kiêng cữ để tránh tái nhiễm, sử dụng kháng sinh tra nhỏ hoặc uống, bệnh sẽ khỏi sau 4-6 tuần điều trị.

Bệnh da

Bộ Y tế khuyến cáo chú ý phòng, chống các bệnh ngoài da như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Lý do là nước mưa có chứa hóa chất, khí độc, ô nhiễm nên dễ gây bệnh ngoài da. Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu nước giếng sau lũ lụt chưa được khử trùng, cần đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc quần áo ẩm ướt do tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển.

Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, có thể gây bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa. Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng, nếu lội thì sau đó phải rửa tay chân bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Bệnh hô hấp và tiêu hóa

Các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm đường hô hấp, viêm họng, tiêu chảy do ecoli, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A... cũng dễ xuất hiện vào mùa mưa bão do tiết trời ẩm ướt. Để phòng tránh, Bộ Y tế khuyên giữ cơ thể ấm, hạn chế tiếp xúc với người bị cúm, viêm đường hô hấp.

Người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính nguy cơ cao nhiễm bệnh do sức đề kháng không tốt. Nhóm này cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, đạm, đường, chất béo. Khi có biểu hiện như nôn, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng..., cần đến viện kiểm tra.

Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, nên chú ý xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường, cá nhân; ăn chín uống chín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh nếu có.

Viêm gan virus A, E, một số các bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn... hoặc bệnh do vi khuẩn Leptospira cũng có thể xảy ra trong các khu vực bị ngập lụt mặc dù tần suất ít gặp hơn.

Sốt xuất huyết

Đây là nhóm các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét.

Các nốt xuất huyết trên chân một nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết ngày 6.
Các nốt xuất huyết trên chân một nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết ngày 6. (Ảnh: Thư Anh).

Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người. Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

Diệt bọ gậy bằng cách: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước để cá diệt bọ gậy. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ và gáo dừa, lốp xe...; đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại, lu khạp; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), thường xuyên thay rửa lọ hoa (bình bông). Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở.

Phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi, hương xua muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Tẩm hóa chất chống muỗi vào chăn màn, rèm. Cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết hay sốt rét nằm trong màn, tránh muỗi đốt và truyền bệnh sang người khác.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo: Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Ngoài ra, người dân cần bảo đảm vệ sinh môi trường bằng cách nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Cập nhật: 29/09/2022 Theo Infonet/VNE
  • 886