Mặc dù cảm xúc là một dạng sức mạnh và là phần không thể tách rời của cuộc sống, song chúng có thể tác động đáng kể đến sức khỏe - nhất là những cảm xúc tiêu cực.
>>> Chửi thề có giới hạn giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Dưới đây là 5 loại cảm xúc thường gặp có thể tác động xấu đến sức khỏe nếu không được đối phó một cách đúng đắn.
Giận dữ có thể thực sự dẫn đến cơn đau tim và làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch - một điều có lẽ không có gì đáng ngực nhiên - vì cơn giận dữ bùng nổ đột ngột có thể làm tăng vọt các chất trong cơ thể, như adrenaline và noradrenaline. Trong cơn giận, vùng hạnh nhân của não phản ứng quá mức; máu dồn tới thùy trán, là vùng chịu trách nhiệm về lý lẽ. Đó là lý do tại sao giận dữ lại thường mù quáng - và có thể khiến người ta ném điện thoại vào tường.
Đi kèm với giảm khả năng xét đoán, giận dữ cũng gây nguy hiểm cho hệ tim mạch. Có nhiều thay đổi sinh lý xảy ra trong cơ thể khi chúng ta tức giận và cần nghiên cứu thêm để chỉ ra chính xác tại sao giận giữ lại có tác động mạnh như vậy đối với sức khỏe. Nhưng các nhà nghiên cứu đã thấy rằng 2 giờ sau cơn giận dữ, nguy cơ đau tim tăng gấp gần 5 lần, và nguy cơ đột quị tăng gần 3 lần. Mặc dù nguy cơ bị tai biến tim mạch với chỉ một cơn giận dữ là khá thấp, song nguy cơ có thể tích lũy ở những người hay cáu giận.
Cảm giác cô đơn cũng nguy hiểm ngang với cơn tức giận đột ngột. Cảm xúc này có xu hướng trở thành một căn bệnh mãn tính như trầm cảm và là một yếu tố nguy cơ gây chết sớm. Cảm giác cô đơn có thể làm tăng 14% nguy cơ chết sớm. Cô đơn là yếu tố nguy cơ gây tử vong sớm vượt ngoài những gì có thể giải thích được bởi hành vi sức khỏe xấu. Ví dụ như chất lượng giấc ngủ kém đẩy nhanh sự lão hóa.
Duy trì các mối quan hệ xã hội với bạn bè và gia đình, và thậm chí thỉnh thoảng trò chuyện với những người mới quen, là điều rất quan trọng. Người gia sống cô độc thường bị stress nhiều hơn và kém thích nghi với những tình huống khó khăn nếu họ không có ai để học hỏi. Sự cô đơn có thể làm tăng nồng độ các hoóc-môn stress trong cơ thể, như cortisol, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, và tăng huyết áp. Sự cách ly và cô độc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch. Vì thể hãy duy trì những ràng buộc xã hội và bạn bè; nó sẽ làm bạn thấy tốt hơn.
Giờ đây hầu như ai cũng biết rằng stress có tác động vô cùng xấu đến cơ thể. Stress gần như luôn biểu hiện thông qua những triệu chứng thực thể: đau nửa đầu, nghiến răng, chóng mặt, buồn nôn, kiệt sức, đánh trống ngực, mất ngủ, chán ăn hoặc thèm ăn. Thường xuyên lo lắng và chịu nhiều stress có liên quan với già sớm, cao huyết áp, đau ngực và giảm miễn dịch. Những người bị stress thường ít chăm sóc bản thân, ăn uống và ngủ đều kém, do đó dễ bị ốm hơn.
Theo Hội Tâm lý Mỹ, stress là một tình trạng phức tạp có liên quan chặt chẽ với nhiều vấn đề sức khỏe. Stress có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề đang có. Ví dụ một nghiên cứu đã cho thấy khoảng một nửa số đối tượng có cải thiện tình trạng đau đầu mạn tính sau khi học cách ngừng thói quen “bi kịch hóa” - thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về tình trạng đau của mình - một thói quen gây stress. Stress mạn tính cũng có thể gây bệnh, do những thay đổi trong cơ thể hoặc do ăn quá nhiều, hút thuốc lá và những thói quen xấu khác mà con người ta hay dùng để đối phó với. Ví dụ, căng thẳng trong công việc - đòi hỏi cao cùng với quyền ra quyết định thấp - có liên quan với tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Học cách giảm stress có thể là một trong những khoản đầu tư tốt nhất – tập luyện, ăn uống lành mạnh và cho bản thân thời gian cũng như cơ hội để thư giãn và mọi phiền muộn sẽ tan biến.
Sốc, hay sang chấn, có thể gây ra những hậu quả cả ngắn hạn và lâu dài đối với trí óc và cơ thể. Cảm giác sốc xảy ra khi gặp phải tình huống không ngờ tới có thể khiến cho con người ta gục ngã nếu không được chuẩn bị, và thực sự khiến họ không thể đối phó hay phản ứng một cách đúng đắn.
Sang chấn tâm lý xảy ra ở não và có thể thực sự làm thay đổi cấu trúc não nơi vỏ não trán, vũng não cảm xúc và vùng não sinh tồn cùng hội tụ. Những triệu chứng thực thể xảy ra do sốc hoặc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) bao gồm những vấn đề về giấc ngủ và ăn uống, rối loạn chức năng tình dục, kiệt sức và đau mãn tính.
Có lý do để người ta dùng từ “trái tim tan vỡ” khi miêu tả cảm giác đau buồn. Khi bạn chìm sâu trong sự buồn bã thì sức khỏe của bạn cũng bị đe dọa.
Một nghiên cứu của Trường Đại học St. George, London thấy rằng người ta có thể thực sự chết khi “trái tim tan vỡ” - sự đau buồn làm nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng gần gấp đôi sau cái chết của người bạn đời. “Chúng ta thường sử dụng thuật ngữ “trái tim tan vỡ” để mô tả cảm giác đau buồn khi mất người thân yêu và nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng nỗi đau này có tác động trực tiếp đến sức khỏe của tim”, TS. Sunil Shah, giảng viên chính về y tế công cộng tại Đại học St. George, phát biểu.