Trái đất là hành tinh duy nhất có nước, vũ trụ đang ở trạng thái tĩnh... là những lầm tưởng về vũ trụ mà không ít người vẫn tin.
Không giống như văn hóa nghệ thuật, khoa học biến hóa và thay đổi hàng ngày. Do đó, có những nghiên cứu khoa học đúng ở thời này nhưng ở giai đoạn sau lại trở nên không thật chính xác.
Tuy nhiên, vẫn có không ít người "bảo thủ" lại tin tưởng vào nghiên cứu xưa. Cùng điểm lại một vài những lầm tưởng về khoa học vũ trụ thập niên 90 mà vẫn còn không ít người tin.
Nhiều người tin rằng, Trái đất là hành tinh duy nhất tồn tại nước. Nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra bằng chứng cho thấy, Mặt trăng và một số hành tinh có chứa rất nhiều nước.
Dữ liệu từ các vệ tinh vũ trụ NASA từ năm 1995 tới năm 2003 cho thấy, Mặt trăng Europa của Sao Mộc có đại dương sâu, rộng với bề mặt là lớp băng dày từ 80 đến 170km. Nếu “gom” tất cả nước trên Trái đất lại cũng chỉ bằng 1/2 - 1/3 thể tích nước ở đây, còn nếu “gom" tất cả nước trên Europa lại sẽ được một quả bóng nước bán kính 877km.
Bên cạnh việc tìm thấy cả một đại dương trên Mặt trăng lớn nhất của sao Mộc, các chuyên gia còn cả bằng chứng về sự xuất hiện của nước ở Mặt trăng của sao Thổ - Enceladus.
Cho đến những năm cuối cùng của thập niên 90, các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng trọng lực có khả năng làm giảm sự giãn nở của vũ trụ. Tuy nhiên gần đây các nhà khoa học lại khám phá ra rằng, vũ trụ của chúng ta đang lớn dần lên, với tốc độ rất nhanh.
Dựa trên những quan sát các siêu tân tinh ở xa, ba nhà vật lý Saul Perlmutter, Brian P. Schmidt và Adam G. Riess đã chỉ ra quá trình giãn nở có gia tốc của vũ trụ nhờ phát hiện về hằng số vũ trụ, năng lượng tối...
Ba nhà vật lý trên đã vén một góc màn bí ẩn của vũ trụ hiện đang còn chứa rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết. Nhiều vấn đề lớn (năng lượng tối, vật chất tối,...) vẫn còn chờ lời giải trong tương lai.
Nhiều người tin rằng, Sao Diêm Vương (Pluto) là hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời. Nhưng sau khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy sao Diêm Vương có kích thước nhỏ bé hơn rất nhiều so với các hành tinh khác, lại có quỹ đạo rất kì quái. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện ra Pluto và các vệ tinh của nó thật ra chỉ là những thiên thể lớn thuộc vành đai Kuiper.
Cùng với Kuiper, giới khoa học còn phát hiện ra được rất nhiều các thiên thể lớn dần, chỉ nhỏ hơn Pluto một chút. Cuối cùng vào năm 2005, một thiên thể tên Eris được phát hiện có kích thước bằng Pluto.
Như vậy nếu Pluto là hành tinh, Eris cũng phải một hành tinh, và có thể sẽ tìm ra thêm được vô số những hành tinh như vậy nữa. Từ đó các nhà khoa học quyết định Pluto trở thành “tiểu hành tinh”.
Theo nhà khoa học Peter Galison, kính thiên văn Hubble đã làm thay đổi mọi thứ, khi qua lăng kính này, người ta nhìn thấy một hố đen khổng lồ ở trung tâm Dải Ngân hà.
Vào thập niên 90, hố đen là khái niệm không quá quen thuộc. Nhiều người thời bấy giờ tin rằng, Dải Ngân hà là nơi duy nhất có hố đen và hố đen chỉ xuất hiện xung quanh những vì sao lâu đời nhất, nhiều tuổi nhất.
Nhưng sự thực không phải vậy, hầu như ở trung tâm của Dải Ngân hà nào cũng có hố đen và sự xuất hiện của những vì sao mới “mọc”, hay đã rất lâu đời không liên quan đến sự tồn tại của hố đen.
Mới đây, các chuyên gia còn phát hiện ra rằng, Dải Ngân hà “hàng xóm” ngay cạnh chúng ta, có tên là M87 cũng có hố đen trung tâm với khối lượng tương đương với hàng tỷ Mặt trời.
Vào thập niên 90, không ít nhà khoa học khẳng định, vũ trụ bao la của chúng ta chỉ tồn tại 9 hành tinh. Nhưng theo nhà khoa học Peter Galison, một trong những khám phá vĩ đại nhất trong vòng 20 năm qua đó là ta khám phá ra sự tồn tại của hàng tỷ hành tinh nhỏ xung quanh những vì sao.
Chỉ tính riêng Dải Ngân hà ngay sát chúng ta cũng đã có tới hơn 100 tỉ hành tinh lớn nhỏ khác nhau, và có rất nhiều những hành tinh trông giống như Trái đất. Phát hiện này hứa hẹn rằng, vào một ngày nào đó, chúng ta có thể sẽ tìm thấy sự sống ngoài Trái đất.