5 linh kiện dễ "ra đi" nhất trong máy tính

  •  
  • 2.566

Lý tưởng mà nói thì ai cũng muốn chiếc máy tính của mình luôn hoạt động tốt và lý do duy nhất để bạn nghĩ đến việc mua một chiếc máy tính mới là cải thiện hiệu năng. Không may là cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số linh kiện của máy tính rất dễ “ra đi”. Và việc thay thế chúng có thể tốn rất nhiều tiền.

Điều quan trọng nhất bạn cần làm là bảo dưỡng linh kiện máy tính thường xuyên. Một chiếc máy tính có thể sử dụng trong thời gian rất lâu khi người dùng bảo dưỡng đúng cách, đặc biệt là với những chiếc máy tự lắp ráp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách kéo dài tuổi thọ cho một số linh kiện máy tính.

1. Bo mạch chủ

Có rất nhiều lý do để nâng cấp bo mạch chủ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng việc bạn nâng cấp là một sự lựa chọn chứ không phải là tình thế bắt buộc khi chúng ngừng hoạt động. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng càng về sau, các thế hệ bo mạch chủ mới càng đáng tin cậy hơn.

Bo mạch chủ

Vì sao bo mạch chủ nhanh hỏng?

Mặc dù linh kiện này không hề di chuyển nhưng có cấu tạo rất phức tạp và tinh vi. Đây là nơi kết nối mọi thành phần trong hệ thống máy tính, chỉ một thay đổi nhỏ trong cấu tạo cũng có thể tạo ra những kết quả khác biệt.

Dù vậy, tuổi thọ của bo mạch chủ cũng không đồng đều, nó phụ thuộc vào thói quen sử dụng của người dùng và môi trường sử dụng. Một nghiên cứu của Puget System vào năm 2018 cho thấy "các loại bo mạch chủ có cấu tạo ngày càng phức tạp", tỉ lệ hư hỏng chỉ ở mức "2,1%, cứ trung bình 49 cái lại có một cái hỏng". Quan trọng là con số này chỉ bằng "một nửa so với năm 2017".

Báo cáo của HardWare.fr vào năm 2016 cũng cho kết quả tương tự, tỉ lệ là 1,45% với bo mạch của ASRock và 2,36% với MSI.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự "ra đi" của bo mạch chủ là do các tụ điện bị xuống cấp qua thời gian và trở nên quá tải. Thậm chí, một số tụ còn bị rò điện và gây ảnh hưởng đến các linh kiện khác. Bạn có thể thay thế các tụ điện trên bo mạch, tuy nhiên, đây không phải là một công việc bạn có thể tự làm tại nhà.

Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như quá nhiệt, tĩnh điện và độ ẩm cao.

Mẹo giúp kéo dài tuổi thọ bo mạch chủ

Luôn đặt máy tính tránh xa những nơi có độ ẩm cao hay không khí quá khô (gây tĩnh điện). Hiện tượng quá nhiệt đôi lúc cũng làm bo mạch chủ bị cong vênh dẫn đến các mạch bên trong bị co rút hoặc đứt đoạn.

Và điều tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ bo mạch chủ chính là đừng bao giờ táy máy chân tay vào. Tuy hơi cường điệu hóa nhưng ngoài lúc lắp đặt hay thay mới thì bạn hãy hạn chế tối đa việc để bo mạch chủ nằm bên ngoài vỏ máy.

Khi cần phải động chạm đến bo mạch chủ, bạn phải đảm bảo cơ thể đã được tiếp đất để tránh việc vô tình tạo ra tia lửa điện và nướng cháy cả tấm bo mạch.

2. Ổ đĩa lưu trữ dữ liệu

Ổ đĩa lưu trữ dữ liệu có hay loại chính là HDD và SSD. Một chiếc máy tính sẽ không thể hoạt động nếu thiếu ổ đĩa vì đây là nơi lưu hệ điều hành của máy. Đây là linh kiện rất quan trọng đối với một chiếc máy tính. Nếu bị hỏng, bạn cần thay thế nó ngay lập tức.

Ổ lưu trữ dữ liệu

Vì sao ổ HDD và SSD đều có thể hư hỏng nhanh chóng?

Cả hai loại HDD và SSD đều rất dễ hỏng, nhưng là vì những nguyên nhân khác nhau.

HDD là ổ đĩa cơ học, chúng có những bộ phận chuyển động bên trong và sẽ hư hỏng dần về mặt lý học theo thời gian. Đĩa quang có thể bị trầy xước, đầu đọc ngừng hoạt động hay một bộ phận nào đó bị "liệt" do hiện tượng tăng áp đột ngột.

SSD là ổ đĩa sử dụng bộ nhớ flash do đó chúng không có những thành phần cơ học. Tuy nhiên, ổ SSD lại không đáng tin khi lưu trữ dữ liệu trong thời gian dài. Chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và thậm chí là có thể bị mất dữ liệu khi bị sụp nguồn.

Mẹo kéo dài tuổi thọ ổ đĩa

Điều quan trọng nhất bạn cần làm là đầu tư một bộ nguồn tốt, không quan trọng bạn dùng loại ổ đĩa nào. Các vấn đề liên quan đến điện đều có thể gây hư hỏng nặng với tất cả các loại thiết bị chứ không riêng gì linh kiện máy tính.

Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng của thiết bị để xem nhiệt độ hoạt động tối ưu của chúng. Bạn cũng nên dọn sạch bụi bẩn ra khỏi thủng máy để đảm bảo không khí lưu thông tốt và tránh bị quá nhiệt.

Một điều quan trọng nữa là lựa chọn ổ đĩa của những nhãn hiệu có tiếng tăm. Bạn có thể tham khảo các bài viết trên mạng để tìm hiểu về các loại ổ đĩa và có lựa chọn phù hợp với nhu cầu.

3. RAM

RAM là linh kiện rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trải nghiệm của người dùng. Và đây cũng là linh kiện đầu tiên bạn cần nâng cấp nếu muốn cải thiện hiệu năng máy. Bao nhiêu RAM là đủ? Con số chính xác còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng máy tính của bạn, nhưng 8GB RAM là con số phổ biến hiện nay.

Trong tất cả các loại linh kiện máy tính thì RAM là linh kiện có tỉ lệ hư hỏng thấp nhất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại sản phẩm và nhãn hiệu bạn mua mà tuổi thọ của RAM có thể rất khác nhau. Và hiện tượng chết RAM vẫn có thể xảy ra!

Ram

Nguyên nhân chết RAM

Nếu trong điều hiện hoàn hảo, RAM có thể hoạt động trong một thời gian rất dài. Cũng trong báo cáo của HardWare.fr, tỉ lệ trả hàng do lỗi của RAM thấp đáng ngạc nhiên, 0,2% đối với  hãng Kingston và khoảng 1,08% đối với Corsair. So với số lượng RAM được sử dụng trên toàn cầu thì tỉ lệ trên là cực kỳ thấp.

Nhưng có hai thứ có thể làm hư RAM chỉ trong nháy mắt là nhiệt độ và hiện tượng tăng áp đột ngột.

Hầu hết các loại RAM đều có thể hoạt động trong khoảng từ 0 đến 85 độ C. Nếu nhiệt độ vượt ra khoảng trên, hiện tượng chết RAM có thể xảy ra. Tuy hiếm khi xảy ra chết RAM do quá nhiệt nhưng việc thường xuyên sử dụng ở nhiệt độ cao cũng sẽ khiến tuổi thọ của chúng giảm đi đáng kể.

Tăng áp đột ngột có thể xảy ra do bo mạch chủ bị lỗi, bộ nguồn kém chất lượng và các tia lửa điện.

Mẹo kéo dài tuổi thọ RAM

Lời khuyên tốt nhất là lựa chọn dòng sản phẩm chất lượng cao của một thương hiệu uy tín như Kingston, Crucial, G.Skill và Corsair… Hãy đọc kỹ các bài đánh giá và nhận xét sản phẩm trước khi chọn mua.

Mặt khác, để tranh hiện tượng tăng áp đột ngột, bạn cũng cần phải đầu tư vào một bộ nguồn thật tốt.

4. Bộ nguồn

Bộ nguồn có tác dụng phân phối năng lượng cho tất cả các linh kiện trong máy tính. Có khá nhiều điều bạn cần nhớ khi lựa chọn một bộ nguồn phù hợp, nhưng tuổi thọ là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Bộ nguồn

Nguyên nhân

Xét về tuổi thọ trong điều kiện lý tưởng thì bộ nguồn chỉ kém RAM một chút mà thôi. Báo cáo của HardWare.fr cho thấy tỉ lệ hư hỏng thấp nhất là 0,49% đối với hãng Fortron và cao nhất là 2,41% của hãng Cougar.

Và báo cáo của Puget Systems cho thấy "tỉ lệ hư hỏng chung của bộ nguồn là 1,15%".

Với mục đích sử dụng thông thường, tuổi thọ của một bộ nguồn là khá lớn, có thể lên đến 5 năm hay 10 năm nếu bạn may mắn. Nhưng nếu bộ nguồn của bạn phải chịu tải lớn trong thời gian dài, chúng có thể bị quá tải.

Mẹo kéo dài tuổi thọ cho bộ nguồn

Lời khuyên số một luôn luôn là hàng chất lượng cao và thương hiệu nổi tiếng. Nhiều dòng phổ thông có thể dễ bị quá tải và không có khoảng đệm để chịu mức quá tải. Bộ nguồn kém chất lượng cũng có thể dẫn đến tình trạng nhanh hỏng hoặc tuổi thọ thấp.

Một điều cần chú ý khi lựa chọn bộ nguồn là nhiều hãng không tự sản xuất mà thông qua đơn vị OEM. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm có thể không đồng đều dù là của cùng một thương hiệu.

Một cách kéo dài tuổi thọ bộ nguồn khá hiệu quả là hạn chế các hoạt động nặng có thể gây quá tải nguồn. Ví dụ, đào tiền ảo là một hoạt động rất nặng, ép xung CPU và GPU cũng khiến bộ nguồn chịu áp lực lớn. Dù bạn vẫn có thể khắc phục bằng cách lựa chọn các phần cứng phù hợp.

5. Quạt tản nhiệt

Nhiều người không quá quan tâm đến quạt tản nhiệt của máy tính. Chúng sẽ hoạt động khi mở máy và ngừng khi bạn tắt máy. Thỉnh thoảng, chúng ta còn không nhận ra liệu chúng có hoạt động hay không. May thay, đây là linh kiện có chi phí thay thế khá rẻ.

Tuy nhiên, với quạt tản nhiệt cho CPU thì lại khác, chúng có giá thành cao hơn so với quạt tản nhiệt của thân máy. Và với quạt tản nhiệt của GPU cũng vậy.

Quạt tản nhiệt

Nguyên nhân

Phần này thì khá đơn giản. Tương tự với ổ HDD, quạt tản nhiệt là linh kiện cơ học với các bộ phận chuyển động và dễ bị hao mòn. Qua thời gian quay, quay và quay, quạt tản nhiệt sẽ dần xuống cấp.

Quá trình này có thể rút ngắn do sự xuất hiện của những hạt bụi bám trên cánh quạt và trong bộ quay. Và khi tiếp xúc với ẩm hay nhiệt độ cao, lớp bụi có thể có thể trở thành những mảng bám làm tăng ma sát và gây hư hỏng.

Mẹo tăng tuổi thọ quạt tản nhiệt

Mẹo đầu tiên giúp tăng tuổi thọ cho mọi loại quạt tản nhiệt là thường xuyên vệ sinh. Bạn sẽ cần vệ sinh cả bụi bám trên cánh quạt và toàn bộ bên trong thùng máy.

Bạn cũng nên cân nhắc vị trí đặt máy tính trong nhà. Việc đặt máy trên một tấm thảm dày có thể khiến máy bị tích nhiệt và bụi, khiến quạt tản nhiệt phải hoạt động nặng hơn mới có thể làm mát hệ thống.

Vậy thì sau bao lâu chúng ta cần vệ sinh quạt tản nhiệt? Nếu chưa từng vệ sinh máy của mình từ lúc mua thì bạn cần dọn dẹp nó rồi đấy. Sau đó một tháng, bạn có thể kiểm tra xem lượng bụi trong thùng máy và trên cánh quạt để có thể lên lịch vệ sinh phù hợp.

Trên thực tế, linh kiện máy tính có tốc độ hao mòn nhanh hơn những thiết bị điện tử khác. Bạn có thể hạn chế độ hao mòn chung bằng các mẹo mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết. Giữ máy tính hoạt động ở nhiệt độ phù hợp và vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn sẽ giúp kéo dài tuổi thọ phần cứng máy tính thêm khá nhiều. Hơn nữa, bạn sẽ có thể tiết kiệm chi phí sửa chữa để dành cho việc nâng cấp hiệu năng máy nếu thích.

Cập nhật: 20/07/2020 Theo vnreview
  • 2.566