5 thiết kế làm thay đổi thế giới

  •  
  • 7.544

Steve Jobs, người sáng lập Hãng Apple, từng nói: "Một bản thiết kế được coi là đẹp khi bạn muốn liếm nó”. Nhưng theo Hãng tin CNN, một thiết kế mẫu mực thật sự không chỉ khiến người chiêm ngưỡng phải thán phục, mà nó còn cần có những tác động xã hội lớn lao.

Từ hàng trăm sản phẩm đạt tiêu chí đó xuất hiện trong vòng 100 năm qua, CNN đã chọn ra năm thiết kế xuất sắc nhất, được đánh giá là "đã thay đổi cuộc sống hàng triệu người".

Xe Volkswagen Beetle

Với 21,5 triệu xe bán ra trên toàn thế giới trong 65 năm (1938 - 2003), chiếc Volkswagen Type 1 - hay được biết đến một cách rộng rãi hơn với cái tên Volkswagen Beetle - đã thật sự khẳng định vị trí không một đối thủ nào có thể cạnh tranh. Nó là mẫu xe được sản xuất nhiều nhất, qua quãng thời gian lâu nhất trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi.

Khi mới xuất hiện, nhiều người đã phê phán Beetle vì thiết kế kỳ dị, động cơ yếu, độ ồn cao... và dự báo nó sẽ là một thất bại nặng nề của Hãng Volkswagen. Tuy nhiên, chính chiếc Beetle nhỏ bé có hình dạng tựa như một con bọ đó đã giúp phục hồi nền kinh tế Đức sau Thế chiến 2. Hàng triệu chiếc Beetle đã xuất hiện tại mọi quốc gia trên thế giới, đem về cho nước Đức một khoản lợi nhuận xuất khẩu khổng lồ.

Ngay từ khi xuất hiện, chiếc Volkswagen Type 1 đã nhanh chóng được đặt biệt danh "Beetle" (bọ cánh cứng). Phải đến năm 1967, Hãng Volkswagen mới chính thức sử dụng cái tên Beetle cho sản phẩm độc nhất vô nhị của mình.


Xe Volkswagen

Máy ảnh Leica

Leica không phải là chiếc máy ảnh hay thiết bị chụp ảnh xách tay đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ nó là nhãn hiệu máy ảnh có sức ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử nhiếp ảnh, và đã trở thành thiết kế tiêu biểu cho toàn bộ các loại máy ảnh kể từ khi xuất hiện trên thị trường vào năm 1925.

Chiếc Leica đầu tiên là một máy ảnh 35mm, do nhà cơ khí người Đức Oscar Barnack chế tạo. Thiết kế vững chắc của thân máy, độ chính xác của ống kính chính là những ưu điểm đưa Leica vào hàng ngũ "máy ảnh dành cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp". Điểm cách tân vĩ đại nhất của Barnack với máy ảnh Leica là khái niệm âm bản nhỏ có thể tạo nên hình ảnh lớn.

Trước khi có sự xuất hiện của Leica, các máy ảnh thường cồng kềnh và sử dụng rất phiền phức. Leica cũng ít gây tiếng ồn hơn tất cả các loại máy khác. Henri Cartier-Bresson, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã từng miêu tả Leica "mở rộng đôi mắt của tôi".

Máy ảnh Leica cho phép các nhiếp ảnh gia chụp những bức hình liên tiếp một cách nhanh chóng, qua đó dẫn đến sự ra đời của báo ảnh ngày nay. Năm 2006, những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh đã bình chọn chiếc Leica M3, sản xuất năm 1954, là thiết bị xuất sắc nhất qua mọi thời đại.

Máy ảnh Leica M3
Máy ảnh Leica M3 (Ảnh: cosmonet)

Bút bi

Hoàn toàn không phải là phóng đại khi khẳng định bất cứ ai có thể viết đều ít nhất một lần trong đời sử dụng bút bi. Rẻ tiền, thuận tiện và không cần bảo dưỡng, bút bi đã cách mạng hóa cách viết của con người.

Người xin cấp bằng sáng chế bút bi đầu tiên trên thế giới là một thợ thuộc da người Mỹ tên John Loud vào năm 1888 nhưng không được khai thác thương mại. Đến năm 1938, một biên tập viên người Hungary là László Bíró, do quá thất vọng với việc sử dụng bút mực (tốn thời gian tiếp mực, mực lâu khô, đầu bút quá nhọn...) đã tạo ra loại bút bi sử dụng mực in báo khô rất nhanh. Loại bút này có chứa một ống mực đặc, mực được viết lên giấy là nhờ chuyển động lăn của một viên bi nhỏ gắn nơi đầu ống chứa mực. Bút bi thật sự xuất hiện từ đó.

Trải qua nhiều thăng trầm trước sự cạnh tranh của bút mực, đến năm 1950 bút bi mới thật sự khẳng định được vị trí xứng đáng của nó nhờ thiết kế mới của nhà sáng chế người Pháp Marcel Bich. Hiện nay, mỗi ngày có tới 14 triệu chiếc bút bi được bán ra trên toàn thế giới.

Máy nghe nhạc iPod

Khi Steve Jobs tuyên bố iPod là "Walkman của thế kỷ 21" vào năm 2001, nhiều người cho rằng nhà sáng lập Apple đã "con hát mẹ khen hay". Sáu năm sau, 110 triệu chiếc iPod đã được bán ra trên toàn thế giới. Hóa ra tuyên bố của Jobs còn có phần hơi khiêm nhường.

Điểm thiên tài ở iPod là thiết kế mang tính biểu tượng kết hợp với sự đơn giản trong sử dụng. Vòng tròn cảm ứng độc đáo cho phép người sử dụng khám phá thiết bị này một cách dễ dàng, trong khi phần mềm iTunes có tốc độ nhanh gấp mười lần bất cứ phần mềm nào trên thị trường khi mới xuất hiện. Sự phát triển của iTunes cho phép người yêu âm nhạc nén những bộ sưu tập CD đồ sộ vào một thiết bị chẳng lớn là mấy so với một bao thuốc lá.

Một điểm cống hiến quan trọng của iPod là biến máy nghe nhạc MP3 thành sản phẩm phổ thông trên toàn thế giới, và góp phần vào sự chuyển đổi thói quen của người yêu âm nhạc: từ nghe qua đĩa CD sang nghe trên thiết bị kỹ thuật số.

Bản đồ hệ thống tàu điện ngầm London

Bản đồ hệ thống tàu điện ngầm London vào năm 1933 của Harry Beck được CNN so sánh với định nghĩa về thiên tài của Goethe: "Đặt hình dạng cho những thứ vô định".

Beck đã thể hiện cái hệ thống lằng nhằng chằng chịt như một đĩa mì Ý thành biểu đồ những đường thẳng và chéo, giống như biểu đồ của một mạch điện, đơn giản và rõ ràng hơn rất nhiều. Quan điểm của Beck là hành khách đi tàu không quá quan tâm đến độ chính xác địa lý như những bản đồ cũ thể hiện, mà muốn biết làm thế nào để từ ga này sang ga khác, đâu là nơi phải chuyển tàu... Bản đồ của Beck lập tức trở thành một biểu tượng của London và được công nhận trên toàn thế giới.

Nhờ Beck, người dân London có thể đi lại trong hệ thống tàu điện ngầm dài nhất và lâu đời nhất trên thế giới một cách dễ dàng mà không sợ bị lạc đường. Beck còn tiếp tục hoàn thiện thiết kế của mình cho tới tận năm 1960. Những bản đồ đường tàu điện ngầm hiện đại ngày nay đều có sự tương quan rất lớn so với bản thiết kế của Beck.

HIẾU TRUNG

Theo CNN, Tuổi trẻ
  • 7.544