Đây thật sự là những tên tuổi nổi tiếng và có phần lỗi lạc trong quá khứ, nhưng lại mang trong mình một niềm tin viển vông, vô định.
Nếu mạo hiểm tính mạng của mình đồng nghĩa với việc, bằng một cách nào đó, sẽ đem lại khả năng kéo dài tuổi thọ đáng kể, liệu bạn có chấp nhận đi trên con đường đó đến cùng? Hay có thực hay không chuyện chết đi để rồi được hồi sinh vào một thời điểm khác trong tương lai? Chắc hẳn trong chúng ta hầu hết đều chưa dám đưa ra một quyết định dứt khoát nếu ở trong tình huống chọn lựa như vậy. Nhưng những nhân vật sau lại tìm mọi cách để chạm tay vào liều thuốc cho sự trường sinh bất lão hoặc suối nguồn tươi trẻ, để rồi bỏ mạng vô ích trong công cuộc tìm kiếm xa vời ấy.
Bù lại, trái ngược với những trường hợp bi thảm này, truyền thuyết về Juan Ponce de Leon được ghi lại là người duy nhất thu được kết quả trong nỗ lực của mình đi tìm Suối nguồn của Sự sống. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một huyền thoại được kể lại, còn sự thật lại gắn liền với nhiều cái chết tuyệt vọng của những người đang nuôi hy vọng đạt được sự bất tử, cũng như sự sống có thể kéo dài đến kiếp sau.
Alexander Bogdanov tin rằng phương pháp truyền máu có thể là chìa khóa dẫn đến sự bất tử.
Alexander Bogdanov là một nhân vật khá nổi tiếng trong quá khứ, chưa kể đến cái chết kỳ lạ của ông.
Bogdanov từng sáng lập nên phong trào nghệ thuật Proletkult, đồng thời phát triển lĩnh vực nghiên cứu hình thái và cấu trúc sinh vật học. Ông cũng giữ vững lập trường và quan điểm của mình, tin rằng phương pháp truyền máu có thể là chìa khóa dẫn đến sự bất tử.
Điều gì đến cũng phải đến. Bogdanov đã tiến hành vài thử nghiệm trao đổi máu, và thu được kết quả tốt - đó là ông nghĩ như vậy. Ông cho rằng sức khỏe của mình đã thay đổi tích cực sau mỗi lần thực hiện thành công. Cho tới lần cuối cùng định mệnh, ông truyền máu với một sinh viên bị bệnh sốt rét và đã tử vong không lâu sau đó. Không rõ Bogdanov chết vì virus sốt rét hay do không tương thích với nhóm máu của sinh viên kia - mọi chuyện vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải thích xác đáng. Nhưng cậu sinh viên đã may mắn sống sót sau lần thử nghiệm đó.
Tần Thủy Hoàng chết vì uống thuốc chiết xuất từ thủy ngân - thứ mà ông cho rằng sẽ khiến mình bất tử.
Hình ảnh những loại thuốc có tác dụng kéo dài cuộc sống đã trở thành một nét độc đáo trong những truyền thuyết của người Trung Quốc, thậm chí được đưa lên rất nhiều tình tiết trong phim ảnh, tiêu biểu như lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân trong Tây Du Ký. Vậy còn trong lịch sử những triều đại thực sự của đất nước rộng lớn này thì sao? Đã có rất nhiều thầy thuốc nói rằng họ đã chế xuất ra được công thức hoàn hảo cho liều thuốc tiên, nhưng trong những ghi chép được tìm thấy, những bài thuốc "quý hiếm" này không những chẳng tỏ ra tác dụng là bao, mà lại còn... giết ngược lại khổ chủ.
Tần Thủy Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần chết vì uống thuốc chiết xuất từ thủy ngân - thứ mà ông cho rằng sẽ khiến mình bất tử. Thậm chí, công thức trên còn được chôn cùng ông dưới lăng mộ của mình.
Còn nhiều trường hợp khác cũng chỉ vì muốn có trong tay quyền năng của các vị thánh mà bỏ mạng. Năm vị vua nhà Đường cũng không phải là ngoại lệ: theo đuổi liều thuốc trường sinh bất diệt, để rồi có người phát điên vì uống thuốc, cuối cùng thái giám trong cung phải ra tay ám sát ông. Không chỉ có vậy, cái chết của một vị vua nhà Minh cũng được cho là xuất phát từ nỗ lực mù quáng tìm kiếm chìa khóa cho sự bất tử.
Góa phụ Diane de Poitiers.
Mặc dù Vua Henry II của Pháp đã kết hôn với Phu nhân Catherine de' Medici, những một người còn gần gũi với ông hơn cả là góa phụ Diane de Poitiers. Bà nổi tiếng được biết đến với vẻ đẹp quyến rũ vượt thời gian. Khi ấy, người ta cho rằng nếu muốn giữ gìn nét đẹp tuổi thanh xuân, một liều thuốc pha chế từ vàng chloride và ether (C2H5OC2H5) sẽ ngăn chặn được tác động của thời gian. Tuy nhiên, bà Diane đã chết dần chết mòn vì loại thuốc đó, giã từ cõi đời ở tuổi 66. Nhiều bằng chứng sau này khi phân tích mẫu tóc của bà cũng công nhận sự nhiễm độc kim loại mà vàng gây nên.
Chắc chắn Diane không phải trường hợp duy nhất vì niềm tin điên rồ mà phải bỏ mạng như vậy. Cũng đã có những ghi chép về nhiều ca tử vong do lạm dụng thạch tín trong làm đẹp hoặc ngay cả lưỡi dao oan nghiệt trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Thủy ngân lại là một cái tên quen thuộc xuất hiện hầu hết trong công thức chế tạo thuốc bất tử.
Như đã đề cập, các thầy thuốc Trung Quốc có liên quan đến việc sử dụng thủy ngân vào quá trình tìm kiếm liều thuốc bất tử. Thế nhưng không chỉ văn hóa Trung Quốc mà cả các nhà hóa học phương Tây cũng từng quên ăn quên ngủ tìm ra công thức cho "Viên đá của Nhà hiền triết" - một hợp chất có tác dụng hồi sinh tuổi trẻ cho con người. Và thủy ngân lại là một cái tên quen thuộc xuất hiện hầu hết trong công thức chế tạo nên nó.
Tất nhiên, thao tác và làm việc với một hàm lượng thủy ngân cao như vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chính các nhà khoa học chế xuất ra phương thuốc. Isaac Newton là một trường hợp điển hình, đã từng có dấu hiệu nhiễm độc vào cuối cuộc đời: các cơn co giật, ảo giác, rối loạn thần kinh và cả chứng mất ngủ nữa.
Charles-Édouard Brown-Séquard.
Charles-Édouard Brown-Séquard là một nhà sinh lý học và chuyên gia nghiên cứu về thần kinh con người. Nhưng những công trình nghiên cứu của ông lại phá hủy mọi danh tiếng vốn có trước đó. Cụ thể, ông tiến hành tiêm vào cơ thể chiết xuất từ tinh hoàn của chuột lang và chó, khẳng định rằng nó có tác dụng "cải lão hoàn đồng". Brown-Séquard vẫn duy trì quá trình đó cho tới khi từ giã cõi đời ở tuổi 76, đồng thời hầu hết đồng nghiệp của ông cũng không công nhận tác dụng thật sự của liều thuốc này.
Trước đó, Brown-Séquard đã công bố rằng mình tìm ra công thức của suối nguồn của sự sống, sau đó phân phát chúng cho các nhà khoa học khác. Một số hưởng ứng, gọi nó là một phương thuốc thần kỳ, trong khi số khác thì không thể chịu đựng được. Ít nhất một trường hợp đã được xác nhận tử vong sau khi nghe theo lời của Brown-Séquard.
Một trong những ghi chép khó tin nhất là Pud Gavin - cầu thủ ném bóng chuyên nghiệp đi đầu sử dụng chất kích thích trong thể thao - khẳng định rằng hợp chất của Brown-Séquard thật sự khiến mình chơi tốt hơn nhiều. Nhưng chắc chắn chúng không làm anh bất tử, vì cuối cùng anh cũng chết vì chứng viêm loét dạ dày ở tuổi 45.
Hình thức này chỉ cho phép được đem ra ứng dụng khi cơ thể đã hoàn toàn ngừng hoạt động.
Đã từng có nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh việc có nên cho phép bảo quản cơ thể những người bị bệnh hiểm nghèo để có thêm thời gian tìm ra cách chữa trị trong tương lai. Một trong những vụ việc nổi bật nhất khi ấy liên quan tới Thomas A. Donaldson khi ông đệ đơn yêu cầu Tòa án California cho mình được quyền áp dụng phương pháp trên (sau khi Donaldson qua đời, cơ thể ông cũng được chấp thuận để bảo quản trong tình trạng đông lạnh vào năm 2006).
Về cơ bản, hình thức này chỉ cho phép được đem ra ứng dụng khi cơ thể đã hoàn toàn ngừng hoạt động, nhưng một vài người lại "nóng lòng được chết" để được bảo quản cơ thể mình nhanh hết sức có thể. Trung tâm Alcor - nghiên cứu về lĩnh vực kéo dài sự sống - đã nhắc đến một khách hàng của mình hỏi cách được chết ngay lập tức, rút ngắn thời gian và công đoạn. Cuối cùng, ông ta đã tự bắn vào đầu mình, sau đó cũng được đưa vào buồng đông lạnh. Chưa ai dám chắc sự thành công của quá trình "hồi sinh" này có suôn sẻ trong tương lai hay không, nhưng chắc chắn hành động của người khách hàng kia chỉ làm mọi việc khó khăn và phức tạp hơn cho chính bản thân mình mà thôi.