600 loài chim tuyệt chủng do con người, các hệ sinh thái tổn hại vô kể

  •  
  • 233

Nếu không có chiến lược bảo tồn hiệu quả, sự tuyệt chủng các loài chim sẽ gây hậu quả thảm khốc.

Tác động của con người vào thiên nhiên không chỉ khiến hàng trăm loài chim biến mất mà còn làm biến đổi cơ bản vai trò quan trọng của các động vật này đối với môi trường toàn cầu.

Một nghiên cứu do Trường đại học Birmingham, Anh, tiến hành đã cảnh báo cuộc khủng hoảng về mất đa dạng sinh học mà thế giới đang phải đối mặt.

Cụ thể các nhà khoa học đã đánh giá những hậu quả của sự suy giảm nhanh chóng hiện nay của các loài chim đối với hệ sinh thái trong tương lai. Các thông tin mà họ thu thập vô cùng quan trọng để giúp các nước đặt ra mục tiêu hiệu quả bảo tồn thiên nhiên toàn cầu, phục hồi hệ sinh thái và tái thiết thiên nhiên hoang dã.

Chim dodo
Sự tuyệt chủng của loài chim Dodo đã kéo theo sự tuyệt diệt của các loài khác trên đảo Mauritius (Ảnh: Gunter Hofer).

Khoảng 600 loài chim được cho là đã tuyệt chủng trong 12.000 năm qua, phá vỡ trật tự tự nhiên trong môi trường sống bản địa của chúng.

Việc theo dõi tác động khi mỗi loài chim biến mất là rất quan trọng, nhằm cung cấp thông tin về hậu quả tiềm ẩn của sự tuyệt chủng hàng loạt loài chim khác trong tương lai đối với môi trường nói chung.

Tiến sĩ Tom Matthews, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng: "mỗi loài đều có một nhiệm vụ hoặc chức năng trong môi trường và do đó chúng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái".

Một số loài chim ăn các loài sâu có hại và nhờ vậy các loài sâu có hại không phát triển tràn lan, chim nhặt rác tái chế các vật chất chết, một số loài chim khác ăn trái cây và phát tán hạt, tạo điều kiện cho cây cối sinh sôi nhiều hơn, có những loài như chim ruồi là loài thụ phấn quan trọng cho hoa. Khi những loài vật này chết đi, vai trò quan trọng của chúng cũng mất theo.

Ai cũng biết rằng loài người là loài thống trị và cũng là nguyên nhân gây ra sự diệt vong đột ngột của các loài khác vốn cùng cộng sinh trên hành tinh này suốt hàng nghìn năm qua.

Từ 300.000 năm trước, khi loài người đầu tiên xuất hiện ở châu Phi và bắt đầu di cư ra toàn cầu, cho đến nay, chúng ta liên tục khai thác tài nguyên thiên nhiên của Trái đất.

Khi loài người từ bỏ lối sống du mục và bắt đầu định cư trong các cộng đồng và trồng trọt trên đất liền vào khoảng 12.000 năm trước, tốc độ tuyệt chủng không thể tránh khỏi của các loài vật khác đã tăng nhanh.

Nơi sinh sống của chúng bị lấy mất để con người trồng trọt, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cục bộ, và việc săn bắt động vật hoang dã làm thức ăn cũng như bảo vệ con người khỏi những loài thú ăn thịt đã làm suy giảm số lượng và dẫn đến sự tuyệt diệt của toàn bộ nhiều họ động vật.

Những trường hợp như vậy được gọi là thay đổi trong tự nhiên do con người gây ra.

Nghiên cứu của Trường đại học Birmingham nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc mất đi các loài chim đối với môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng mỗi loài chim cụ thể biến mất đều gây ra những ảnh hưởng sâu rộng chứ không chỉ những thiệt hại hiển hiện trước mắt.

Những tổn hại rõ ràng chúng ta đang chứng kiến bao gồm suy giảm thụ phấn các loài hoa, giảm khả năng phát tán các hạt giống cây, phá vỡ khả năng kiểm soát quần thể côn trùng từ trên xuống, trong đó có nhiều loài sâu bệnh và vật truyền bệnh, cũng như sự gia tăng dịch bệnh do giảm xử lý xác thối.

Nhưng không chỉ có những hậu quả trực tiếp đó, các nhà khoa học đã ghi nhận sự tuyệt chủng của một loài sẽ ngăn chặn sự tiến hóa của loài đó một cách tự nhiên, hay chính là sự đa dạng phát sinh loài, mà về cơ bản sẽ thay đổi cách phát triển của toàn bộ môi trường.

Ví dụ khả năng thụ phấn của hoa bị suy giảm ảnh hưởng đến khả năng thích ứng không chỉ của một cá thể mà của cả nhóm loài thực vật trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Matthews đánh giá rằng kết quả nghiên cứu cho thấy cuộc khủng hoảng tuyệt chủng hiện nay không chỉ liên quan đến số lượng các loài, mà còn đặt ra nhu cầu cấp thiết là chúng ta phải hiểu và dự đoán tác động của sự tuyệt chủng do con người gây ra đối với hệ sinh thái.

Cập nhật: 10/10/2024 Dân Trí
  • 233