8 phát minh vĩ đại từng bị coi thường

  •   3,812
  • 26.871

Những phát minh nổi tiếng trên thế giới không phải lúc nào cũng được công chúng đón nhận ngay từ khi ra mắt. Không ai có thể phủ nhận tính năng của ti vi, bóng đèn, ô tô hay máy tính..., tuy nhiên, các nhà khoa học từng nhận định sai lầm về vai trò và tầm quan trọng của chúng. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những phát minh của nhân loại từng bị đánh giá thấp qua bài viết dưới đây.

Những phát minh tuyệt vời bị chối bỏ

Dưới đây là 8 ví dụ về những sáng kiến, bước đột phá và phát minh vĩ đại mà nhiều chuyên gia đã không đánh giá đúng về chúng.

1. Phát minh bóng đèn điện


Đèn điện là một phát minh lớn của nhân loại.

Nhận xét của Ủy ban Nghị viện Anh khi đề cập đến phát minh bóng đèn điện của Edison, năm 1878: “… cũng tốt đối với những người bạn phía bên kia đại dương của chúng ta…nhưng không đủ để gây sự chú ý đối với giới khoa học hay những người có đầu óc thực tế”. Còn Henry Morton, Chủ tịch Viện công nghệ Stevens, nhận xét: “Tất cả mọi người đều đã quen thuộc với những phát minh thất bại thảm hại”.

Đây không phải là lần đầu người Anh tỏ ra coi thường phát minh của người Mỹ, và họ đã bỏ lỡ phát minh này hàng thế kỷ. Những chiếc bóng đèn điện hiện xuất hiện khắp nơi, ở mọi hình dạng, kích thước và chúng ta tiếp xúc với các thiết bị điện nhanh hơn bao giờ hết.

2. Dòng điện xoay chiều


Dòng điện xoay chiều giúp sử dụng thiết bị điện một cách hiệu quả và dễ hơn.

“Sử dụng dòng điện xoay chiều chỉ tốn thời gian. Sẽ không có ai sử dụng phát minh này”, Thomas Edison khẳng định năm 1889. Có thể, lúc phát ngôn, Edison muốn “bắn tỉa” những nỗ lực của đối thủ George Westinghouse (người có bằng sáng chế cho phát minh dòng điện xoay chiều từ Nikola Tesla). Thực tế, sử dụng dòng điện xoay chiều cho các thiết bị điện sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với dòng điện một chiều “yêu quý” của Edison. Nền văn minh nhân loại đã và đang "vận hành" trên phát minh này kể từ khi nó ra đời.

3. Máy tính


Máy tính giúp con người kết nối không giới hạn.

Chúng ta đã đạt đến giới hạn của những gì có thể với phát minh máy tính này”, John Von Neumann, nhà toán học mang hai dòng máu Mỹ - Hungari, phát biểu năm 1949. Với một bộ vi mạch phức tạp (còn được gọi là microchip), máy tính đã cho phép con người thực sự kết nối. Chúng ta có thể nghiên cứu, điều chỉnh chính hành tinh của mình và đến giờ vẫn chưa nhận thức được sự giới hạn của máy tính trong tương lai.

4. Bộ vi xử lý


Bộ vi xử lý được sử dụng trong nhiều thiết bị, trong đó có điện thoại di động.

“Phát mình này liệu sẽ tốt cho cái gì?”, một kỹ sư thuộc công ty IBM, nhận xét về bộ vi xử lý năm 1968. Câu trả lời là “gần như tất cả mọi thứ”. Các phần trong thiết bị điện của vật dụng gia đình, phương tiện giao thông, hệ thống máy tính, văn phòng và bất kỳ vật dụng gì trong cuộc sống hằng ngày... đều sử dụng phát minh này.

5. Thiết bị truyền dữ liệu


Khối lượng dữ liệu đồ sộ có thể được chuyển chỉ trong nháy mắt.

Trước khi con người đặt chân lên Mặt trăng, thư sẽ được chuyển trong vòng vài tiếng đồng hồ từ New York tới Australia bằng tên lửa điều khiển. Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của thời đại thư tên lửa”, Arthur Summerfield, Tổng cục trưởng tổng cục bưu điện Mỹ hình dung tương lai của truyền thông vào năm 1959. Còn theo Dennis Gabor, nhà vật lý người Anh, năm 1962: “Việc truyền tài liệu bằng điện tín là có thể thực hiện được về mặt lý thuyết, nhưng các thiết bị cần thiết để thực hiện lại quá đắt, vì vậy sẽ không bao giờ thành hiện thực”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hai người ở hai đầu thế giới vẫn có thể gửi thư, thông điệp và hình ảnh... cho nhau trong vòng tích tắc mà không cần đến tên lửa với bộ máy PC hoặc điện thoại di động có giá vài triệu đồng.

6. Mua sắm trên mạng


Mua sắm qua mạng vẫn tiếp tục phát triển trong những năm gần đây

“Ý tưởng mua sắm từ xa sẽ thất bại thảm hại bởi phụ nữ thích đi ra khỏi nhà, thích được cầm ngắm hàng hóa và khó thay đổi nếp suy nghĩ”, tờ TIME bình luận năm 1966. Điều đó là sự thật bởi cả hai giới đều thích cảm giác được cầm ngắm món hàng mà mình định mua. Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn trụ vững cho đến ngày nay và vẫn thu về lợi nhuận từ những nơi cần đến dịch vụ này, thậm chí đang là xu thế của tương lai.

7. Ô tô


Ngày nay, ô tô là một phương tiện phổ biến nhất trên thế giới.

“Phương tiện chuyên chở không dùng ngựa này là một món đồ xa xỉ của giới thượng lưu, và mặc dù nó có thể giảm giá trong thời gian tới, thì nó vẫn không bao giờ có thể trở nên phổ biến như xe đạp”, tạp chí Literary Digest bình luận, năm 1899.

Tiên đoán này đã không thành sự thực bởi cho đến nay, sức mua loại phương tiện này vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Nhận định của Literary Digest được chứng minh là sai lầm, kể từ khi hãng Ford chế tạo ô tô theo dây chuyền, làm giảm giá thành của phương tiện này.

Năm 2005, có gần 53 triệu lượt xe mới “đổ bộ” ra đường phố. Tuy nhiên, gần đây, con người đã “phát hiện” giá trị của xe đạp truyền thống và tiến hành "xét lại" vai trò của ô tô, biết đâu, nhận định của tạp chí Literary Digest lại trở nên đúng trong tương lai?

8. Vô tuyến


Ti vi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

“Nếu như về mặt lý thuyết và kỹ thuật, phát minh này hoàn toàn có tính khả thi nhưng về mặt thương mại thì đó là điều không tưởng. Đây là một sáng kiến tốn thời gian”, Lee DeForest, nhà sáng chế người Mỹ, tác giả của đèn chân không, nhận xét, năm 1926. Ông đã hoàn toàn nhầm. Chỉ tính riêng nước Mỹ, hiện có khoảng 220 triệu chiếc ti vi là sản phẩm hàng hoá. Ti vi có mặt mọi nơi, với kiểu dáng, tính năng ngày càng hiện đại.

Cập nhật: 29/01/2018 Theo Báo Đất Việt (Ecosalon)
  • 3,812
  • 26.871