9x người Tày sáng chế bếp nóng lạnh thu tiền tỷ

  •   52
  • 1.111

Bán chiếc dream vỏn vẹn 2,5 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp, Nguyễn Văn Huỳnh mày mò chế tạo bếp đa năng tận dụng củi, rơm rạ giúp bà con dùng thay bình nóng lạnh.

Giải pháp của Nguyễn Văn Huỳnh (29 tuổi), dân tộc Tày - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát (Yên Bái) - làm bếp đun củi nóng lạnh thay bình nóng lạnh điện, gas, bình năng lượng mặt trời, phù hợp ở nông thôn.

Huỳnh cho biết, bếp hoạt động theo nguyên lý giữ nhiệt tự nhiên, sử dụng thay cho kiềng 3 chân, kết nối hệ thống đường ống nối với bình bảo ôn chứa nước ở trên cao. Khi gia đình nấu cơm, canh, nhiệt năng được đẩy thu từ bếp và chuyền lên bình bảo ôn. Nhiệt năng này có thể làm nước nóng sau 5-7 phút và bình bảo ôn giữ nhiệt tới 48 giờ.

"Bếp không hiện đại nhưng rất phù hợp với bà con nông thôn, miền núi nơi vẫn sử dụng củi, than đốt và không phát sinh chi phí hàng tháng so với sử dụng điện, gas", Huỳnh chia sẻ.

 Sản phẩm bếp Huỳnh Phát được lắp cho bà con vùng nông thôn Yên Bái.
Sản phẩm bếp Huỳnh Phát được lắp cho bà con vùng nông thôn Yên Bái. (Ảnh: NVCC).

Là con út trong gia đình 5 anh em tại An Thịnh, Văn Yên, huyện miền núi phía bắc tỉnh Yên Bái, ý tưởng của Huỳnh bắt nguồn từ chính tuổi thơ nhọc nhằn nghèo khó, nơi những đứa trẻ lớn lên trong cảnh co ro suốt mùa đông, không tắm vì lạnh. Huỳnh kể, có những tối mùa đông mưa rét ngồi quây quần bên bếp, củi ẩm khói bốc cay xè, cậu nghĩ cách làm sao tiết kiệm củi và giảm bớt khói, tận dụng được nhiệt của bếp. Sẵn tính tò mò, Huỳnh tận dụng phế liệu cũ như vỏ tôn, đoạn ống nước tuýp sắt, vòi... về tỉ mẩn hàn xì lắp ghép. Bốn năm trời, Huỳnh nghĩ đến đâu mày mò đến đó, mẫu này chưa được bỏ đi làm lại mẫu khác từ đầu, cải tiến từng chi tiết. Năm 2012 mô hình đầu tiên hình thành song Huỳnh tạm gác để đi học rồi về làm công tác tại xã 2 năm.

Năm 2014, Huỳnh nung nấu ý định trở lại. Anh hoàn tất vỏ bếp được làm từ inox với nguyên lý đối lưu tự nhiên, tận dụng khoảng 80% lượng nhiệt trong bình bảo ôn. Bài toán đặt ra là bếp tiêu tốn chất đốt ít nhất, ít khói bụi nhưng thu về lượng nhiệt năng thừa nhiều nhất.

Huỳnh giải thích, xã An Thịnh là khu vực trồng quế nên có nhiều phế phẩm từ cây quế. Anh dựa vào nguyên lý máy chưng cất tinh dầu từ quế để cải tiến phù hợp với hộ gia đình nhỏ. Khi chiếc bếp đầu tiên "ra lò", mẹ Huỳnh phấn khởi mời bà con trong xóm mang nước nóng về dùng.

Tiếng lành đồn xa, chiếc bếp đa năng của Huỳnh được nhiều người biết đến, từ các hộ lân cận, khu nội trú hay đến các thầy cô cắm bản tới đặt hàng. "Không chỉ vui vì làm ra tiền giúp gia đình, sản phẩm giúp cuộc sống bà con mình đỡ vất vả hơn khiến em hạnh phúc", Huỳnh nói.

22 tuổi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, Huỳnh bảo bản thân thiếu hụt kiến thức lẫn kinh nghiệm kinh doanh, thị trường. Thời đầu, Huỳnh bán chiếc dream được 2,5 triệu đồng, vay thêm tiền làm kinh phí. Chàng trai 9x phải kiêm mọi vị trí từ giám đốc, bảo vệ, thị trường đến lắp đặt kỹ thuật. Năm 2016 bếp Huỳnh Phát thương mại ra thị trường và năm 2018 xưởng ra đời để sản xuất số lượng lớn.

Từ vài ba nhân viên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát dần mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh 6 sản phẩm, gồm bếp đun củi nóng lạnh; hệ thống nồi đun tắm lá thuốc; hệ thống nồi nóng lạnh, xông hơi; nồi hơi nấu rượu và bếp trấu nóng lạnh. Sau 8 năm, sản phẩm chiếm lĩnh thị trường chính ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc với 2 cơ sở sản xuất và 6 điểm làm khoán, 26 đại lý chuyên bán sản phẩm, gần 40 công nhân.

"Hơn 18.000 bộ sản phẩm Huỳnh Phát đã phủ rộng nhiều tỉnh thành, năm 2021 doanh thu toàn hệ thống đạt 12 tỷ đồng", Huỳnh chia sẻ và nói thêm sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê và mang sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống, nhất là bà con miền núi còn nhiều khó khăn.

Tác giả bếp nóng lạnh Nguyễn Văn Huỳnh.
Tác giả bếp nóng lạnh Nguyễn Văn Huỳnh. (Ảnh: NVCC).

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Chi cho biết, An Thịnh là xã trung tâm nên tỷ lệ dùng bếp củi không nhiều, song với các xã lân cận bếp Huỳnh Phát rất được ưa chuộng. Ông cho hay, bếp phù hợp với bà con nông thôn, nhất là nơi nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, có thể tận dụng củi, mùn cưa, rơm rạ, vỏ trấu có sẵn và rẻ để có nước nóng thoải mái cho sinh hoạt. Ông Chi ghi nhận sự năng động và sáng tạo của Huỳnh, tạo công ăn việc làm cho người dân vừa giúp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với sáng tạo góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, Nguyễn Văn Huỳnh trở thành người trẻ nhất được vinh danh nhà khoa học của nhà nông 2022, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Cập nhật: 30/01/2023 VNE
  • 52
  • 1.111