ADOC Award 2006: Đoàn Việt Nam về "tay không"!

  •  
  • 54

Giải thưởng ADOC Award 2006 (lần 2) tổ chức tại Đài Bắc đã kết thúc với lễ trao thưởng vào tối ngày 30/6 vừa qua, chỉ với 3 giải thưởng trao cho 3 lĩnh vực dự thi là e-Gov, SME và ứng dụng xoá khoảng cách số. Dù các sản phẩm và ứng dụng tham dự có chất lượng khá cao, nhưng Đoàn Việt Nam không giành được giải thưởng nào.

Trái với lễ trao thưởng ADOC năm ngoái, trong ba lĩnh vực e-Gov (ứng dụng ICT trong Chính phủ điện tử), SME (ứng dụng ICT trong doanh nghiệp vừa và nhỏ) và Ứng dụng ICT để Thu hẹp khoảng cách số mà 6 nền kinh tế thành viên APEC tham gia giới thiệu năm nay, chỉ có 3 sản phẩm đoạt giải nhất cho mỗi lĩnh vực. 

Năm ngoái, mỗi lĩnh vực tham dự được ban tổ chức ADOC trao giải Nhất, Nhì, Ba. Trong các sản phẩm của mỗi nền kinh tế tham gia cũng được ban tổ chức lựa chọn ra Top 3 giải pháp/sản phẩm tốt nhất để trao giải. Chung cuộc là ba giải Nhất, Nhì Ba dành cho 3 giải pháp/sản phẩm xuất sắc nhất trong tổng số 53 sản phẩm dự thi.

Philippin đã được trao giải nhất chủ đề Ứng dụng ICT cho Chính phủ điện tử với Dự án khởi tạo Trung tâm kiến thức về lương thực và dinh dưỡng.


Về chủ đề Ứng dụng ICT cho Chính phủ điện tử (ICT Best Practices for e-Gorvernment) năm nay, đoàn Philippin đã được trao giải nhất với Dự án khởi tạo Trung tâm kiến thức về lương thực và dinh dưỡng của Viện Khoa học và công nghệ cao, Bộ Khoa học Công nghệ Philippin. Việt Nam tham gia chủ đề này với bài thuyết trình về Dự án hạ tầng hệ thống quản lý Thuế
của đại diện Tổng Cục Thuế, là dự án mở rộng của Hệ thống thông tin quản lý thuế ở Việt Nam (e-Tax) của Tổng cục thuế Việt Nam, từng đoạt giải nhì chung cuộc ADOC Award 2005.

Trong nội dung Ứng dụng ICT của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ứng dụng Các dịch vụ hỗ trợ thông tin tích hợp dành cho các thiết bị di động trên nền mạng GSM của Peru đã giành giải nhất. Sản phẩm dự thi của đoàn Việt Nam ở chủ đề này khá ấn tượng với bài thuyết trình rất mạch lạc về Ứng dụng .eHosipital của FSS, được phát triển với số nhân sự 50 người trong thời gian 5 năm. Tuy nhiên, có lẽ tiêu chí trao giải của BTC ADOC ưu tiên vào các ứng dụng mang tính sơ khởi, nhằm giúp SME hoạt động hiệu quả hơn là những giải pháp quy mô đồ sộ, liên kết hàng chục bệnh viện lớn như .eHospital.

Còn trong chủ đề Ứng dụng ICT để bắc cầu nối khoảng cách số (Bridging the Digital Divide), Indonesia đã giành giải nhất với Giải pháp The TeleCentre Story, đưa thông tin bằng Internet về những vùng quê nghèo qua những trạm thông tin địa phương (tương tự như các điểm Bưu điện văn hoá xã ở Việt Nam). Các trạm thông tin địa phương (TeleCentre) này sẽ cung cấp thông tin, tư liệu lao động sản xuất để người nông dân có thể chăn nuôi, canh tác hiệu quả hơn. Sản phẩm Từ điển Lạc Việt MTD 2006 tham dự chủ đề này của Việt Nam, tuy được hỗ trợ đa ngôn ngữ, đa phương tiện và nhiều tính năng ưu việt, có thể giúp "thông ngôn" giữa các ngôn ngữ Anh - Pháp - Trung - Việt, nhưng lại không làm nổi bật được khả năng thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, vốn là tiêu chí do BTC ADOC đặt ra.

Như vậy, năm nay, đoàn Việt Nam tham dự ADOC Award đã ra về chỉ với những kỷ niệm chương do BTC trao tặng cho tất cả các đơn vị tham gia. Xét trên bình diện chung về công nghệ và tính quy mô, các sản phẩm của Việt Nam thậm chí còn nổi trội hơn so với những ứng dụng cùng tham gia ADOC năm nay, nhưng lại không thực sự phù hợp với tiêu chí đánh giá của các nội dung xét trao giải.

Chính vì điều này, nên những dự án như Telecentre của Indonesia hay Dịch vụ hỗ trợ thông tin tích hợp cho các thiết bị di động trên nền GSM của Peru vẫn được trao giải nhất. Có lẽ, trong những lần tham dự ADOC tới, các đơn vị tham gia của Việt Nam nên chuẩn bị và tìm hiểu kỹ hơn về các tiêu chí giải thưởng ADOC để không phải ra về "trắng tay" như năm nay.

Minh Phong

Theo VietNamNet
  • 54