Gần đây, ai cũng đọc thấy rất nhiều từ “khoảnh khắc”, thậm chí hay dùng từ này. Và ai cũng nghĩ rằng một “khoảnh khắc” là cực kỳ ngắn, kiểu một cái chớp mắt, hay “trong vòng một nốt nhạc”.
Vậy đấy, ngay cả những người hay dùng từ “khoảnh khắc” cũng chẳng biết một “khoảnh khắc” là bao nhiêu lâu.
Nhưng đây mới là điều bất ngờ: Một “khoảnh khắc” thực ra là một khoảng thời gian cụ thể, và có lẽ nó không ngắn như bạn tưởng.
Mấy ai biết một khoảnh khắc là bao nhiêu lâu? (Ảnh minh họa: iStock).
Theo các nhà sử học, đơn vị “khoảnh khắc” có từ thời Trung cổ, khi một giờ đồng hồ trên đồng hồ Mặt trời được coi là có 40 “khoảnh khắc”. Hồi đó, độ dài của một giờ Mặt trời còn tùy thuộc vào từng ngày, mà độ dài của từng ngày có thể khác nhau giữa các mùa. Nhưng về cơ bản thì một giờ Mặt trời được chia thành 4 phần 1/4 giờ, mỗi phần đó lại được chia thành 10 phần nhỏ hơn, tổng cộng là có 40 phần nhỏ đó, gọi là 40 “khoảnh khắc”.
Vậy nếu 1 giờ Mặt trời gồm 40 khoảnh khắc thì tính cụ thể ra, một “khoảnh khắc” là 90 giây.
Người ta cũng cho rằng ngay từ trước thời Trung cổ, đơn vị “khoảnh khắc” đã được sử dụng để tính toán.
Đồng hồ Mặt trời ở Công viên Cranmer (Denver, Mỹ). (Ảnh: Earth Sky).
Tuy nhiên, bây giờ thì mọi người ít để ý đến thời lượng cụ thể của một “khoảnh khắc”, mặc dù rất hay nói đến từ “khoảnh khắc”. Còn trong từ điển Oxford, định nghĩa từ moment (khoảnh khắc) được ghi là “một khoảng thời gian rất ngắn” mà thôi.
Mà vì mọi chuyện đều chỉ là tương đối, nên ai thích hiểu “khoảnh khắc” là ngắn thế nào thì tùy.
Dù sao, có lẽ chúng ta thì vẫn thấy rằng, nói “Hãy trân trọng từng khoảnh khắc” vừa nhanh hơn, vừa hay hơn là nói “Hãy trân trọng từng 90 giây”. Mà xét cho cùng, việc một “khoảnh khắc” dài bao nhiêu lâu có lẽ không quan trọng bằng việc chúng ta ngày ngày tháng tháng đều sống thật tốt đâu nhỉ"!