Xã hội này chuộng cái đẹp, nhưng không có nghĩa người xấu không có chỗ dụng võ.
Chẳng ai có thể phủ nhận rằng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn có sắc đẹp. Khoa học cũng công nhận điều này, khi có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của ngoại hình đến sức khỏe, quan hệ xã hội, và cả số tiền mà bạn kiếm được nữa.
Người đẹp thì thường tự tin hơn, giỏi giao tiếp hơn, dễ được lòng hơn.
Dễ hiểu thôi! Người đẹp thì thường tự tin hơn, giỏi giao tiếp hơn, dễ tiếp cận người khác hơn, dễ được lòng sếp hơn, và lương tự nhiên nó cao hơn những người không xinh.
Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Business and Psychology lại đưa ra các bằng chứng phản bác quan niệm này.
Satoshi Kanazawa từ ĐH khoa học kinh tế London (Anh) và Mary Still từ ĐH Massachusetts (Boston, Mỹ) đã thực hiện khảo sát với quy mô lớn, trên 20.000 thanh niên trẻ tại Mỹ. Các ứng viên sẽ đưa ra đánh giá về cái gọi là "sự quyến rũ" từ tuổi 16, rồi thêm 3 lần nữa cho đến khi họ 29 tuổi.
Kết quả cho thấy không phải lúc nào người kém sắc lương cũng thấp. Trái lại khi đưa vào một số yếu tố như sức khoẻ và trí tuệ, thì những người có các đức tính như cần cù, hướng ngoại có thể kiếm nhiều tiền hơn rất nhiều so với số đông.
Đáng chú ý, những người được xếp là cực xấu, xấu "đau đớn" lại có thể kiếm nhiều tiền hơn nhóm ở mức "kém thu hút", thậm chí cả khi so với người có ngoại hình ưa nhìn luôn.
Alex Fradera - một nhà báo uy tín tại trang BPS Digest đã đưa ra lý giải cho câu chuyện này. Ông cho biết một trong năm yếu tố thể hiện tính cách của con người là "sẵn sàng trải nghiệm" có thể liên quan rất nhiều đến yếu tố thu nhập thấp, cũng như mức thu hút của ngoại hình.
Xấu nhưng mà kết cấu nó hài hòa nhé.
"Nhiều người ngoại hình rất xấu, và tính cách sẵn sàng trải nghiệm của họ cũng không có. Nhưng có thể điều này khiến họ tận tâm hơn trong một lĩnh vực, rồi trở nên vượt trội?" - Fradera chia sẻ.
Được biết trong mô hình năm yếu tố, người có tính cách sẵn sàng trải nghiệm thường theo thiên hướng nghệ thuật với nhiều ý tưởng độc đáo, muốn thử những cái mới. Còn với người có điểm thấp ở mặt này thì thực dụng hơn, thích chú tâm vào một việc, và có thể vì thế mà họ trở nên giàu chăng?
Theo Fradera, đây là một nghiên cứu có nhiều ý nghĩa, vì các công trình trước kia chỉ gọi chung những người kém thu hút là "xấu", trong khi thực tế thì nhận xét về ngoại hình không thể đơn giản như vậy được.
Mô hình 5 yếu tố: Các nhà khoa học tin rằng ai cũng có năm yếu tố tính cách của mô hình này, đó chính là : hướng ngoại (extraversion), tận tâm (conscientiousness), dễ chịu (agreeableness), sẵn sàng trải nghiệm (openness to experience) và neuroticism (tâm lý bất ổn). |