AI phân tích mối lo ngại của Stephen Hawking về một nền văn minh khác

  •  
  • 648

Nhà vật lý thiên văn vĩ đại của nhân loại, Stephen Hawking đã từng cảnh báo loài người về một thảm họa nếu chúng ta gặp gỡ một nền văn minh ngoài Trái đất.

Những tiến bộ gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là sự phát triển của Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), đã có tác động đáng kể đến nghiên cứu khoa học xã hội tính toán.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế mới đây đã thiết kế chương trình mang tên "CosmoAgent", một khung trí tuệ nhân tạo cải tiến sử dụng LLM với mục đích mô phỏng sự tương tác giữa các nền văn minh của con người và ngoài Trái đất, đặc biệt nhấn mạnh vào lời khuyên cảnh báo của nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking (1942-2018) về việc không gửi tín hiệu vô tuyến một cách bừa bãi vào vũ trụ.


AI đã đưa ra nhiều kịch bản có thể xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với một nền văn minh ngoài Trái đất (Ảnh minh họa: Futura Science).

Dự án nhằm mục tiêu cố gắng đánh giá xem loài người sẽ gặp nguy hiểm ở mức độ nào, nếu một nền văn minh tiếp xúc với cư dân của các hành tinh và thiên hà khác.

Stephen Hawking từng đưa ra một số cảnh báo chống lại nỗ lực tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái đất của loài người. Nhà vật lý vũ trụ tin rằng nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất cuối cùng có thể dẫn đến một thảm họa.

"Chúng ta không biết nhiều về người ngoài hành tinh, nhưng chúng ta biết về con người", ông nói vào năm 2015.

"Nếu bạn nhìn vào lịch sử, những lần tiếp xúc giữa người và người thường dẫn đến sự hủy diệt của các nền văn minh kém phát triển hơn", ông Hawking nói.

Hawking cho rằng, việc tiết lộ vị trí và sự tồn tại của chúng ta cho các nền văn minh quân phiệt tiên tiến có thể gây ra những hậu quả thảm khốc.

Nó giống như những hậu quả được quan sát trong mô phỏng khi một nền văn minh kém hùng mạnh hơn gặp phải một nền văn minh quân phiệt.

Stephen Hawking kết thúc lời cảnh báo của mình bằng cách khẳng định rằng một nền văn minh đọc được một trong những thông điệp của chúng ta có thể đi trước chúng ta hàng tỷ năm và họ có thể không coi con người trên Trái đất có giá trị hơn loài vi khuẩn.

Tại kinh đô điện ảnh của thế giới Hollywood (Mỹ), nhiều nhà biên kịch thường tưởng tượng ra những cuộc đổ bộ - ít nhất là đẫm máu - giống như trong bộ phim Mars Attacks (tạm dịch: Cuộc tấn công từ sao Hỏa) nổi tiếng vào năm 1996, do Tim Burton dàn dựng.


Stephen Hawking cho rằng việc chúng ta truyền tín hiệu ra ngoài không gian có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa các vì sao (Ảnh minh họa: UP' Magazine).

Trong bối cảnh mô phỏng, khi một nền văn minh xác định được một nền văn minh sở hữu sức mạnh quân sự kém hơn, họ sẽ thực hiện một chiến dịch tiêu diệt với mục đích loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng.

Điều này ngụ ý rằng khi Trái đất hoặc bất kỳ nền văn minh nào khác nằm gần một nền văn minh quân phiệt hùng mạnh hơn, có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa các hành tinh và khả năng sống sót của thực thể ít thống trị hơn sẽ giảm đáng kể.

Nghiên cứu nhấn mạnh bản chất nguy hiểm của sự tương tác với các nền văn minh quân phiệt và tầm quan trọng đặc biệt của việc cân nhắc chiến lược quân sự và không gian đối với sự tồn tại từ các nền văn minh kém mạnh mẽ hơn.

Kết quả mô phỏng này cung cấp sự chứng thực thực nghiệm cho giả thuyết của Stephen Hawking về những rủi ro vốn có từ việc liên lạc giữa các vì sao, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta truyền tín hiệu vào không gian, có thể tiết lộ sự tồn tại của nền văn minh của mình đến các thực thể ngoài Trái đất có khả năng thù địch.

Cập nhật: 07/09/2024 Dân Trí
  • 648