Airbus tham vọng phát triển taxi bay không người lái

  •   4,52
  • 1.463

Gã khổng lồ ngành vũ trụ hàng không châu Âu đang phát triển một dự án đầy tham vọng tại Thung lũng Silicon gọi mang tên Vahana - máy bay chở khách không người lái.

Theo CNN, Vahana có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Máy bay có các thanh chống giống trực thăng, hai bộ cánh nghiêng với 4 động cơ chạy bằng điện ở mỗi trục.

Việc phát triển Vahana thuộc về đơn vị A3 của doanh nghiệp. Đơn vị này chính thức đi vào hoạt động trong năm nay, tọa lạc tại thành phố San Jose - trái tim của cộng đồng công nghệ California. Dự án được thực hiện với số vốn cam kết trị giá 150 triệu USD.

Airbus phát triển Vahana với công dụng là một taxi bay trong tương lai.
Airbus phát triển Vahana với công dụng là một taxi bay trong tương lai. (Ảnh: CNN).

"Máy bay mà chúng tôi đang xây dựng không cần đường băng, tự lái và có thể phát hiện cũng như tránh các chướng ngại vật hoặc các phi cơ khác", Giám đốc điều hành A3, Rodin Lyasoff, thông tin.

Ông cho hay: "Được thiết kế để chở một khách hàng hàng hoặc hàng hóa, chúng tôi đang hướng tới việc đưa nó trở thành phi cơ chở khách đầu tiên không cần phi công".

Dự án hy vọng nguyên mẫu với kích thước đầy đủ sẽ ra mắt vào cuối năm 2017 và tung sản phẩm đầu tiên ra thị trường vào năm 2020. Tuy nhiên, máy bay cần phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn.

Airbus không phải trụ cột duy nhất trong ngành công nghiệp sản xuất tham gia khám phá những lĩnh vực di động mới. Các nhà sản xuất xe như Toyota và Honda cũng lấn sân sang lĩnh vực hàng không. Honda phát triển dòng máy bay tư nhân đầu tiên của doanh nghiệp vào năm 2015, sau 3 thập kỷ phát triển công nghệ hàng không vũ trụ mới.

Năm ngoái, Airbus công bố rằng một trong những dự án đầu tiên của Vahana có thể hợp tác với Uber nhằm chứng minh mô hình kinh doanh mới dành cho các nhà khai thác trực thăng. NASA cũng đang nghiên cứu phát triển động cơ đẩy điện và kế hoạch thực nghiệm thiết kế riêng của doanh nghiệp, X-57, vào năm 2018.

Tất nhiên, taxi bay không người lái gây ra một số quan ngại về vấn đề an toàn. Airbus nói rằng công nghệ xác định vật cản và tự tránh sẽ được sử dụng để ngăn những va chạm tiềm năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chuẩn bị dù trong thiết kế, phòng trường hợp động cơ máy bay bị trục trặc.

Cập nhật: 22/10/2016 Theo Zing
  • 4,52
  • 1.463