Câu hỏi nghe rất ngớ ngẩn nhưng đây lại là chủ đề chính được các nhà khoa học thảo luận tại Hội nghị Khoa học Hoàng gia được tổ chức ở London (Anh).
Từ năm 1889 đến nay như chúng ta biết, mẫu chuẩn 1 kilogram là 1 ống hình trụ hợp kim gồm 90% platin và 10% iridi có đường kính 39mm cao 39mm. Mẫu chuẩn này được chế tạo năm 1879 ở London sau đó được bảo quản, đậy kín bằng 1 chuông kính đặt tại văn phòng quốc tế về đo lường Paris (Pháp). Tuy nhiên sau hơn 100 năm, mẫu chuẩn này đã bị biến đổi. Khối lượng của nó nhỏ đi bằng khoảng một… hạt cát có đường kính 0,4mm.
Mẫu chuẩn 1 kilogram.
Các nhà khoa học không chấp nhận như vậy bởi đơn vị trọng lượng là cơ sở cho nhiều đơn vị đo lường khác và khoa học chính xác không cho phép sai lệch dù nhỏ nhất. Cần phải tìm ra 1 mẫu chuẩn khác theo đúng định nghĩa, tức là thuộc tính không thay đổi.
Năm 1983, các nhà khoa học đưa ra định nghĩa chiều dài 1m như sau: 1 mét có chiều dài đúng bằng quãng đường đi của 1 tia sáng trong chân không, trong khoảng thời gian 1/299.792.458 giây. Với đơn vị đo trọng lượng từ năm 2005 giới khoa học đã cho rằng phải thay đổi mẫu khối lượng của 1 kilogram.hằng số Planck
Một trong những gợi ý là nên dùng hằng số Planck để làm cơ sở tính trọng lượng 1 kilogram (Max Planck - nhà vật lý Đức sáng lập ra thuyết lượng tử, giải Nobel Vật lý năm 1918). Hằng số Planck khá phức tạp đối với người ngoại đạo. Vấn đề phải giải quyết là xác định mối liên hệ giữa trọng lượng của 1 kilogram theo mẫu platin - iridi và hằng số planck. Để làm việc này, các nhà khoa học sử dụng loại cân đặc biệt có tính năng chuyển đổi qua lại giữa công cơ học thành công suất điện tính theo Watt.
Trong tương lai có thể giới khoa học sẽ đưa ra định nghĩa 1 kilogram tương đương bao nhiêu… Watt. Ông Mikael Stock tại Hội khoa học Hoàng gia Anh cho rằng, phải đợi đến năm 2015 Hội nghị đo lường quốc tế Paris mới có thể thông qua được một định nghĩa mới về kilogram (!). Thế nhưng đó là công việc của giới khoa học - còn chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày đã quá quen với chuyện 1 kilogram (tức 1 cân) là 1.000 gram dù thế giới có đưa ra định nghĩa gì đi nữa…