10 công nghệ tạo đột phá trong năm 2016

Tên lửa tái sử dụng, xe tự lái, kỹ thuật can thiệp hệ miễn dịch chỉ là một vài trong số nhiều công nghệ có thể thay đổi thế giới trong tương lai gần.

Can thiệp hệ thống miễn dịch


Năm 2011, công ty công nghệ sinh học Cellectics, Pháp, bắt đầu phát triển một phương pháp kiểm soát tế bào T, thủ phạm phá hủy hệ miễn dịch của con người. Tế bào T có thể được lấy từ máu người bệnh, sau đó các nhà khoa học sẽ tiến hành chỉnh sửa ADN trên tế bào T này để chúng quay trở lại tiêu diệt những tế bào T nguyên gốc trong cơ thể bệnh nhân. Kỹ thuật này đã được thử nghiệm và giúp chữa lành bệnh cho 300 bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Ngoài ung thư, bệnh đa xơ cứng và bệnh HIV đều có khả năng chữa khỏi bằng kỹ thuật trên, theo MIT Technology Reviews. (Ảnh: Ars Technica).

Chỉnh sửa gene thực vật


Nhu cầu về lương thực ngày một tăng, đặc biệt khi dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mốc 10 tỷ vào năm 2050 trong khi biến đổi khí hậu bất thường gây ra hiện tượng sa mạc hóa đất nông nghiệp tại nhiều nơi trên thế giới. Một công nghệ mới có tên là CRISPR đang được các nhà khoa học tại Anh, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc áp dụng để chỉnh sửa gene của các loại cây trồng, giúp nâng cao năng suất đồng thời tăng khả năng chống sâu bệnh và hạn hán. Công nghệ có giá thành thấp, độ chính xác cao, không gây ra các đột biến gene nguy hiểm cho con người. CRISPR được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để bắt đầu nền nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai. (Ảnh: Wordpress).

Giao diện đàm thoại


Những "gã khổng lồ" về công nghệ như Google, Facebook, Apple và Baidu đang phát triển một công nghệ đột phá có tên gọi Giao diện đàm thoại. Đây là công nghệ dựa trên kỹ thuật nhận diện giọng nói, hiểu và xử lý ngôn ngữ để con người tương tác với các thiết bị thông minh qua giọng nói. Chỉ tính riêng tại Trung Quốc năm 2014, có 557 triệu người sử dụng internet thông qua các thiết bị cầm tay như điện thoại và máy tính bảng, chiếm 86% tổng số người sử dụng internet. Việc thay thế các nút bấm bằng giọng nói không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn hứa hẹn thay đổi khái niệm về điện thoại thông minh trong tương lai. (Ảnh: Wordpress).

Tên lửa tái sử dụng


Hàng nghìn tên lửa được phóng vào không gian để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và trước năm 2015, tất cả đều bị phá hủy ngay khi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, lần lượt hai công ty hàng đầu về công nghệ vũ trụ của Mỹ là Blue Origin và SpaceX đã điều khiển thành công cho tên lửa quay trở về bệ phóng sau khi thực hiện nhiệm vụ, nạp năng lượng và sẵn sàng cho chuyến bay kế tiếp. Công nghệ này giúp giảm đáng kể giá thành cho mỗi lần phóng tên lửa và mở ra kỷ nguyên mới, cho phép con người thực hiện các chuyến bay giá rẻ vào không gian. (Ảnh: Wired).

Robot thông minh


Nhiều công việc cần robot để giải phóng sức lao động và giảm rủi ro như đóng gói mặt hàng, giúp đỡ bệnh nhân không cử động được, hay hỗ trợ quân đội ở chiến trường. Tuy nhiên, thế hệ robot hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu do chúng chưa nhận ra và xử lý được những vấn đề phổ biến. Để robot có thể xử lý được những tình huống như sự cố nhỏ hoặc xuất hiện đối tượng mói, chúng cần được cài dữ liệu đã lập trình sẵn. Những con robot cũng có thể tích lũy kinh nghiệm và tự chia sẻ cho nhau để hình thành quá trình thu thập và xử lý số liệu khổng lồ như con người. Các nhà khoa học tại Mỹ và Đức đã thành công trong việc chia sẻ hiểu biết của robot qua điện toán đám mây, và các robot khác có thể cập nhập sử dụng khi cần. Trong vòng 3 - 5 năm tới, thế hệ robot thông minh này có thể xử lý mọi tình huống bằng kinh nghiệm được chia sẻ qua cơ sở dữ liệu chung mà không cần lập trình giống nhau. (Ảnh: Wordpress).

Cơ sở dữ liệu ADN trên Apple Store


Bộ gene chứa đựng thông tin về sức khỏe và đặc điểm vật lý của cơ thể mỗi người. Hiện nay, ngoài việc sử dụng để xác định huyết thống, giá trị của ADN chưa được tận dụng hợp lý. Helix, một công ty tại San Francisco, Mỹ, đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép người dùng truy xuất các thông tin từ ADN của họ, kể cả những căn bệnh mà họ có thể mang hoặc mắc phải trong tương lai. (Ảnh: Tech Insider).

Năng lượng Mặt Trời hiệu suất cao


Một nhà máy năng lượng Mặt Trời có tên gọi SolarCity trị giá 750 triệu USD sẽ đi vào hoạt động trong năm tới tại Mỹ, cho công suất một tỷ watt mỗi năm. Chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt Trời của SolarCity là 2,84 USD cho mỗi watt, giảm từ 4,73 USD năm 2012. Giá thành giảm mạnh do công ty lắp đặt ứng dụng công nghệ pin Mặt Trời có hiệu suất cao hơn, sản xuất khối lượng điện lớn, và quy trình sản xuất đơn giản hơn. Theo dự kiến, giá thành sẽ giảm xuống còn 2,50 USD vào năm 2017, khi đó, năng lượng Mặt Trời có thể đủ sức cạnh tranh với năng lượng nhiên liệu hóa thạch hiện nay. (Ảnh: Gannett).

Phần mềm Slack


Một phần mềm văn phòng có tên gọi Slack với trên 2 triệu lượt dùng mỗi ngày chỉ sau chưa đầy 3 năm phát triển đã làm thay đổi cách thức làm việc của nhân viên công sở. Slack cho phép người dùng trò chuyện hoặc trao đổi thông tin với các đồng nghiệp thông qua hệ thống chat room nội bộ, thay vì email. Dù ở văn phòng hay ngoài đường, dù kết nối bằng điện thoại hay máy tính, người dùng đều có thể sử dụng Slack để gửi các tập dữ liệu ở dạng văn bản, ảnh, ứng dụng, hay các cột dữ liệu tài chính. Slack, một phần mềm trao đổi thông tin dễ sử dụng và thân thiện, góp phần thay thế vai trò của thư điện tử trong các công việc văn phòng và làm tăng hiệu quả công việc nhiều lần. (Ảnh: All Things D).

Xe tự hành Tesla


Tháng 10/2014, hãng Tesla ở Mỹ cho ra mắt dòng xe sedan mới với hàng loạt cảm biến được giấu kín quanh xe. Với một khoản phí trả thêm, các khách hàng sẽ được trải nghiệm gói công nghệ cao khi thông tin từ các cảm biến được Tesla xử lý và tự động điều khiển hệ thống phanh để tránh tai nạn. Một năm sau, Tesla tung ra bản cập nhập mới cho xe với khả năng tự điều khiển tốc độ, thay đổi làn đường, và tự đỗ xe. Các chuyên gia hy vọng Tesla sẽ sớm tung ra bản cập nhập hoàn thiện hơn cho phép xe hơi tự hành trong nhiều điều kiện khác nhau. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ làm giảm những tai nạn xe hơi chết người trong tương lai gần. (Ảnh: Mashable).

Thiết bị tự nạp năng lượng


Các thiết bị kết nối internet hiện nay đều được cung cấp năng lượng dưới dạng pin hoặc lấy điện trực tiếp từ ổ cắm. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một công nghệ cho phép thu năng lượng từ sóng radio và sóng điện thoại xung quanh để nạp năng lượng cho các thiết bị kết nối internet như cảm biến và thậm chí camera. Trong lương lai gần, những ngôi nhà và xe hơi sẽ trở nên thông minh hơn với nhiều thiết bị như cảm biến chuyển động, cảm biến cháy nổ, cảm biến ánh sáng, cảm biến nhiệt độ, và camera an ninh kết nối internet vĩnh viễn. (Ảnh: TBSTZ Blog).

Cập nhật: 02/03/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video