10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2005

Chiều 29-12, Báo Khoa học & Đời sống đã phối hợp với các phóng viên theo dõi khoa học tại Hà Nội tiến hành bình chọn 10 sự kiện khoa học - công nghệ (KHCN) nổi bật của năm 2005.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu lọt vào danh sách 10 sự kiện sau khi được đề nghị đặc cách phong giáo sư

Đứng đầu danh sách bình chọn là sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các nhà khoa học. GS Nguyễn Văn Trương và nhà toán học Ngô Bảo Châu là hai cá nhân lọt vào danh sách 10 sự kiện sau khi một người được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và một người được đề nghị đặc cách phong giáo sư.

Sau đây là danh sách 10 sự kiện:

1. Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học. Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của giới KHCN. Tại buổi gặp, các nhà khoa học đã có dịp bày tỏ với Thủ tướng những tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc trong hoạt động KHCN ở nước ta hiện nay.

2. Bước tiến mới trong việc ban hành, điều chỉnh văn bản luật về KHCN. Trong năm qua, hai luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua gồm Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Giao dịch điện tử, tạo cơ sở quan trọng cho sự phát triển KHCN.

3. Hoàn tất công trình nghiên cứu giải mã bộ gene virus cúm A H5N1. Các nhà khoa học tại Viện Pasteur TP.HCM đã giải mã thành công bộ gene virus cúm A H5N1 trên bệnh phẩm người và gia cầm tại VN từ 5 mẫu virus bệnh phẩm người và 16 mẫu virus trên gia cầm, thủy cầm mắc bệnh tại khu vực phía Nam.

4. Tôn vinh nhà khoa học - anh hùng Nguyễn Văn Trương. Ở tuổi 84, GS-TSKH Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. GS Nguyễn Văn Trương đã cùng các đồng nghiệp thành lập Viện Kinh tế sinh thái tư nhân đầu tiên ở VN và xây dựng được nhiều làng sinh thái trên các vùng sinh thái kém bền vững, giúp bà con nông dân thoát nghèo.

5. Nghị định 115/2005/NĐ-CP, “khoán 10 trong khoa học”. Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập được ví như “khoán 10” trong khoa học. Nghị định này sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn trong hoạt động KHCN. Các tổ chức KHCN được quyền quyết định xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ KHCN, được quyền quyết định sắp xếp, điều chỉnh tổ chức bộ máy.

6. Phê duyệt đề án Phát triển thị trường công nghệ. Đây là đề án nhằm xây dựng và hoàn thiện các thể chế cơ bản của thị trường công nghệ, tạo môi trường cạnh trạnh lành mạnh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Đề án sẽ góp phần thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ.

7. Nở rộ các nhà “khoa học chân đất”. Năm 2005 ghi nhận sự xuất hiện nhiều sáng chế có xuất xứ từ những người nông dân, thậm chí có những người còn học chưa hết bậc phổ thông. Đó là nông dân Nguyễn Văn Long (ấp Thuận Diễn, An Hiệp, Châu Thành, Bến Tre) đã mô phỏng cách kéo tay dệt và cách luồn sợi lác của người phụ nữ bằng máy; anh Huỳnh Thái Dương (xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) với chiếc máy bóc vỏ và tách hạt ngô...

8. Nhà toán học Ngô Bảo Châu được đề nghị đặc cách phong giáo sư. Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) năm 31 tuổi, đầu năm 2004, khi chưa đầy 32 tuổi, Ngô Bảo Châu được hai trường đại học lớn tại Pháp (Paris 6 và Paris 11) mời làm giáo sư.

Cuối năm 2004, Viện Toán học Clay tổ chức trao giải thưởng nghiên cứu hằng năm cho Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhằm “công nhận thành tựu đặc biệt xuất sắc trong toán học” của hai người. Mặc dù hiện làm việc tại Paris (Pháp) nhưng anh vẫn được đề nghị đặc cách phong giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học (thuộc Viện KHCN VN).

9. Khoa học VN đặt chân vào nhiều lĩnh vực KHCN mới. Đó là những thành công trong nghiên cứu tế bào gốc phôi của nhóm các nhà khoa học tại ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) do PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng đứng đầu nhóm nghiên cứu, thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo vật liệu từ vô định hình với các tính chất từ và hiệu ứng vật lý mới của các nhà khoa học tại Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), chế tạo thành công kính hiển vi quét đầu dò tại Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học (Viện KHCN VN)…

10. Techmart lần thứ 2 tổ chức thành công tại TP.HCM. So với chợ công nghệ - thiết bị (Techmart) đầu tiên tại TP Hà Nội, Techmart lần thứ 2 lớn hơn về quy mô, chất lượng. Đây là một trong những khâu đột phá ban đầu của thị trường KHCN còn mới mẻ ở VN, là bức tranh thu nhỏ những điển hình của phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cả nước.

K.HƯNG

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video