10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam năm 2008

Thông qua Luật Công nghệ cao, tạo tinh tử thành tinh trùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, phóng thành công VINASAT-1... là những sự kiện khoa học công nghệ nổi bật của Việt Nam năm nay, do Câu lạc bộ các nhà báo khoa học bình chọn.

Lễ công bố sự kiện này diễn ra sáng nay, tại Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Đây là hoạt động lớn đầu tiên của Câu lạc bộ các nhà báo khoa học công nghệ, kể từ khi ra đời 2 tháng trước đây.

10 sự kiện được 37 nhà báo bình chọn lần lượt là:

1. Nghị quyết trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nghị quyết khẳng định: Trong mọi thời đại tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá kiến thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nghị quyết của Đảng bàn riêng về vấn đề trí thức.

2. Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua

Ngày 13/11, với đa số đại biểu tán thành, quốc hội đã thông qua dự án Luật Công nghệ cao, với những quy định cụ thể về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật... Luật ra đời là cơ sở để phát triển lĩnh vực mũi nhọn này.

3. Tạo tinh trùng chuột từ tế bào gốc

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) đã tạo được tinh trùng chuột từ tế bào gốc. Đây là một hướng đi quan trọng trong việc nghiên cứu điều trị vô sinh cho nam giới không có khả năng tự sinh sản ra tinh trùng. Đây cũng là một bước tiến mới của các nhà khoa học Việt trong việc dùng tế bào gốc phục vụ chữa bệnh cho con người.

Tại Trung tâm công nghệ phôi. Ảnh: sinhhocvietnam.com

4. Nuôi tinh tử thành tinh trùng, cơ hội mới cho những người hiếm muộn 
 
Kỹ thuật nuôi tinh tử thành tinh trùng để cấy vào trứng được thực hiện tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y. Tinh tử (tế bào dạng tròn, chưa có đuôi) sẽ được nuôi cấy cho đến khi có đuôi (thành tinh trùng), chuyển động, có thể thụ tinh được. Những người không có tinh trùng sẽ phải mổ tinh hoàn với vết mổ rất nhỏ để lấy tế bào tinh tử. Tế bào này được nuôi cấy trong 24h, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm với trứng khỏe mạnh. Đây là kỹ thuật được thực hiện duy nhất tại trung tâm và đã giúp một bé gái khỏe mạnh ra đời.

5. Thương vụ chuyển giao giống lúa lai trị giá 10 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2008, phó giáo sư Nguyễn Thị Trâm, Viện sinh học Nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp 1 đã chuyển nhượng giống lúa lai TH3-3 với giá 10 t ỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Nam Trực, Nam Định. Đây là thương vụ mua bán bản quyền giống lúa có giá trị cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Sự kiện này đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới khoa học, chứng minh nhà khoa học có thể làm giàu bằng chính những công trình khoa học của mình nếu công trình đó đem lại lợi ích cho cộng đồng.

6. Việt Nam thiết kế thành công chip vi xử lý 8 –bit đầu tiên

Sáng 16/1/2008, tại TP HCM, chip vi xử lý 8 –bit đầu tiên của Việt Nam mang tên Sigma K3 đã được công bố, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành công nghệ vi mạch Việt Nam non trẻ. Đây là con chíp vi xử lý đầu tiên được thiết kế tại Việt Nam. Chủ nhiệm nhóm đề tài nghiên cứu là Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TP HCM. Chíp có giá thành chỉ bằng 70% so với chíp cùng loại nhập khẩu. Nó có thể được ứng dụng trong sản xuất máy giặt, lò vi sóng, bảng hiệu quảng cáo điện tử, thiết bị y tế cầm tay.

7. Mạng VinaRen kết nối với 30 triệu nhà nghiên cứu trên thế giới

Ngày 27/3/2008, tại TP HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai trương Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen). Đây là mạng viễn thông về nghiên cứu và đào tạo, phi lợi nhuận, được nối vào Mạng thông tin xuyên Âu - Á. Nhờ thế, cộng đồng nghiên cứu và đào tạo nước ta sẽ được kết nối với trên 30 triệu nhà nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.

8. Phóng thành công VINASAT-1

Sự kiện sáng 19/4/2008, vệ tinh Vinasat- 1 chính thức rời bệ phóng đã mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ viễn thông ở Việt Nam. Nước ta sẽ bớt lệ thuộc vào việc thuê kênh vệ tinh và cáp quang biển của nước ngoài để đảm bảo thông tin, liên lạc trong nước và đi quốc tế. Vệ tinh Vinasat -1 cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc phủ sóng viễn thông, liên lạc tới vùng sâu, vùng xa trong nước và cả trong khu vực Đông Nam Á.

9. Lần đầu tiên, một nhà khoa học VN đoạt giải thưởng quốc tế COSMOS

COSMOS là giải thưởng quốc tế được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân tổ chức trên toàn thế giới có những cống hiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mỗi năm, giải chỉ tôn vinh một cá nhân hoặc tập thể xuất sắc nhất. Ngày 4/11/2008, ban tổ chức đã chính thức trao giải năm nay cho giáo sư Phan Nguyên Hồng (Đại học Sư phạm Hà Nội) tại Nhật Bản, vượt qua 130 ứng cử viên đến từ 25 nước, với công trình nghiên cứu chứng minh tác dụng của rừng ngập mặn ven biển.

10. Thanh tra, phát hiện và xử lý gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, gas trong phạm vi cả nước

Từ tháng 4 đến tháng 10/2008, Bộ KH và CN đã chỉ đạo thanh tra về đo lường, chất lượng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên phạm vi toàn quốc, phát hiện và xử phạt 797 cơ sở vi phạm pháp luật. Bộ KH và CN cũng đã đề nghị Bộ Công thương và các địa phương có biện pháp kiên quyết ngăn chặn các trường hợp cố tình gian lận như: đề nghị công khai các cơ sở vi phạm để dư luận xã hội lên án và giám sát; đề nghị cấp có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh của 52 cơ sở có các hành vi vi phạm nghiêm trọng (lắp thêm bảng mạch điện tử làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của thiết bị đo hoặc sử dụng các cột đo có sai số lớn để gian lận).

Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm, đồng tình cao của dư luận xã hội, góp phần rất tích cực cho công tác phòng, chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video