13 tai nạn máy bay bí ẩn nhất hành tinh

Trong lịch sử ngành hàng không thế giới, từng xảy ra khá nhiều vụ tai nạn máy bay. Không ít trong số vụ tai nạn đó cho tới nay vẫn chưa tìm được xác máy bay và cho tới nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Chuyến bay 447 của Air France

Chiếc Airbus A330-200 của Air France mất tích trên Đại Tây Dương ngày 1/6/2009 khi thực hiện lộ trình bay từ Sân bay quốc tế Rio de Janeiro-Galeão ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil đến Sân bay Paris-Charles de Gaulle tại Paris, Pháp. Trên máy bay có 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Ngay sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, chính phủ Pháp và Brazil phát động chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhằm làm sáng tỏ số phận chiếc máy bay cùng 228 người.

6 ngày sau sự cố, người ta phát hiện thi thể hành khách đầu tiên có mặt trên phi cơ Air France. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn Brazil phát hiện một vali chứa vé của chuyến bay 447 gần nơi máy bay rơi xuống. Kết luận cuối cùng năm 2012 cho biết chiếc máy bay bị rơi do thay đổi tốc độ đột ngột, hệ thống lái tự động gặp sự cố cùng nhận định thiếu chính xác của phi hành đoàn.

Sự cố MH370

Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn khi di chuyển từ Kuala Lumpur, Malaysia đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là sự cố hàng không bí ẩn nhất lịch sử nhân loại khi chiếc Boeing 777, loại máy bay an toàn nhất hành tinh, biến mất mà gần như không để lại dấu vết nào.


Sự mất tích bí ẩn của MH370 khiến cả thế giới bàng hoàng. (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực tìm kiếm quốc tế, với sự tham gia của hàng chục quốc gia, kéo dài nhiều tháng không đạt được hiệu quả. Vị trí tìm kiếm trải rộng trên Biển Đông và các vùng biển phía bắc và phía nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, số phận chiếc máy bay và 239 hành khách vẫn là bí ẩn lớn.

Dựa vào số liệu vệ tinh của một công ty Anh, chính phủ Malaysia tuyên bố MH370 lao xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương ngoài khơi Australia. Không ai trong số 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn sống sót. Tuy nhiên, thân nhân những người có mặt trên chuyến bay đặt ra nhiều nghi vấn vì tuyên bố này.

Chuyến bay TWA 800 C

Chuyến bay mang số hiệu 800 của hãng hàng không Trans World Airlines gặp nạn ngay sau khi rời sân bay JFK ở New York ngày 17/7/1996 khiến toàn bộ 230 người trên khoang thiệt mạng.

Một loạt giả thuyết về nguyên nhân vụ việc được đưa ra, trong đó có khả năng máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa vác vai. Phi công hãng Saudi Arabian Airlines cho biết đã nhìn thấy một vật thể màu lục sáng lao thẳng vào máy bay. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự vụ tai nạn đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Chuyến bay mang số hiệu 295

Ngày 28/11/1987, trên hành trình từ Đài Bắc, Đài Loan đến Johannesburg, Nam Phi, chuyến bay số hiệu 295 của hãng South African Airways đã bay an toàn trong 9 giờ 30 phút. Tuy nhiên, khi phi cơ đi qua không phận Maritus trên Ấn Độ Dương, phi công phát hiện khói trong khoang hành khách và thông báo mất điện. Vài phút sau, máy bay đâm xuống đại dương, khiến toàn bộ 159 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Các mảnh vỡ của máy bay trôi dạt đến Madagascar, nhưng không được vớt lên do mâu thuẫn chính trị giữa đảo quốc này và Nam Phi ở thời điểm đó. Nguyên nhân thực sự gây ra vụ tai nạn vẫn là điều bí mật cho đến ngày nay.

Chuyến bay 1285

Tháng 12/1985, chuyến bay 1285 của Arrow Air đưa binh lính Mỹ từ Ai Cập trở về căn cứ đã gặp nạn khiến 256 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng. Sau khi điều tra, Cơ quan An toàn Hàng không Canada (CASB) không thể đưa ra kết luận thuyết phục về nguyên nhân vụ việc.

Một nhóm khủng bố Hồi giáo đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Một nhà báo Canada cho biết đã nhận được cuộc gọi nặc danh từ một người Trung Đông cung cấp thông tin vụ tấn công. Tuy nhiên, vụ việc nhanh chóng bị lãng quên khi thảm họa tàu không gian Challenger diễn ra 6 tuần sau đó.

Vụ tai nạn chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) năm 1957

Vào ngày 8/11/1957, chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) chỉ vừa mới bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới thì không may lao xuống biển Thái Bình Dương. Vụ tai nạn khủng khiếp này đã khiến 44 hành khách thiệt mạng. Các mảnh vỡ của máy bay chỉ được giới chức trách tìm thấy một tuần sau đó, khi tàu sân bay của hải quân Mỹ phát hiện một số xác chết trôi dạt ở vùng đông bắc đảo Honolulu.

Nhà chức trách không thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên có vài điều đáng ngờ trong vụ việc này. Thứ nhất, không một cuộc gọi cứu trợ nào được thực hiện thành công, các mảnh vụn nằm ở rất xa đường bay. Một điểm đáng nghi nhất trong báo cáo chính là chất độc CO được tìm thấy trong cơ thể của các nạn nhân xấu số.

Chuyến bay 007

Chuyến bay mang số hiệu 007 của hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Airlines (còn gọi là KAL-007) bị Su-15 của Liên bang Xô Viết (USSR) bắn hạ khi tiến quá sâu và không phận đảo Moneron, phía tây Sakhalin ngày 1/9/1983. Khi đó, trên KAL-007 có tất cả 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn. Điều đáng nói là trên máy bay có cả nghị sĩ Lawrence McDonald, một trong những chính khách nổi bật thuộc đảng Dân Chủ, Hạ viện Mỹ. Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Chính Trị USSR đã lập tức họp khẩn cấp và cho rằng đây là lỗi của Mỹ do xâm nhập không phận có chủ ý.

Về phần mình, Mỹ kiên quyết phản đối tuyên bố đó từ phía Moscow. Tuy nhiên, USSR vẫn giữ lập trường không cho phép bất kỳ một cuộc điều tra nào từ các phái đoàn hay từ các tổ chức hòa bình trên toàn thế giới. Vì vậy, nguyên nhân tai nạn máy bay vẫn là điều vô cùng bí ẩn, gây nên nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, mọi việc đã dần hé mở khi Cơ quan hàng không Liên bang Nga (FKA), Cơ quan hàng không Mỹ và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO thu nhặt các mảnh vỡ, hộp đen và kết luận sự cố kỹ thuật và lỗi của phi công là nguyên nhân tai nạn.


Nhiều vụ tai nạn máy bay đã trở thành bí ẩn khi nguyên nhân thực sự không thể được làm rõ. (Ảnh minh họa: Resisttyranny.net)

Chuyến bay mang số hiệu 445

Chuyến bay 455 của hãng hàng không Cubana de Aviacion bị khủng bố ngày 6/10/1976 ngay sau khi cất cánh từ Barbados đến Jamaica khiến 78 người thiệt mạng. Hung thủ đã sử dụng hai quả bom chế tạo từ chất nổ dẻo giấu trong các tuýp kem đánh răng. Nhà chức trách đã bắt giữ Freddy Lugo và Hernan Lozano không lâu sau khi vụ nổ diễn ra.

Tại cơ quan điều tra, hai tên này cho biết đã thực hiện vụ đánh bom theo lệnh của Carriles và Bosch. Bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi về tội ác mà Carriles và đồng bọn đã gây ra, trong nhiều năm liền, tòa án Venezuela không thể đưa ra một bản án thích đáng bởi sức ép từ các thế lực chính trị ở Mỹ. Từ năm 1976-1985, hàng chục phiên tòa diễn ra nhưng đều rơi vào bế tắc. Ngày 18/8/1985, Carriles đã tận dụng thời gian thay gác để trốn khỏi nhà tù ở bang Guarico. Một phiên tòa diễn ra sau đó kết luận, Lugo và Lozano lĩnh án 20 năm tù giam, còn Bosch vô tội. Các tài liệu tiết lộ sau này cho thấy, cuộc đào tẩu của Carriles có sự sắp đặt của CIA.

Chuyến bay Flying Tiger 739 gặp tai nạn năm 1962

Hơn 50 năm sau khi biến mất không một dấu vết, hiện chuyên cơ Flying Tiger 739 hay còn gọi là Super Constellation L-1049 của quân đội Mỹ vẫn mất tích.

Năm 1962, máy bay Flying Tiger 739 chở hàng hóa và quân nhân từ California (Mỹ) tới Sài Gòn, Việt Nam. Sau khi dừng chân để tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân ở đảo Guam, máy bay này đã cất cánh và mất tích ở vùng biển Philipines không lâu sau đó.

Khi đó, cơ quan chức năng không nhận được cuộc gọi khẩn cấp nào. Mặc dù đã cử 4 quân binh chủng đi tìm chiếc máy bay gặp nạn nhưng giới chức trách vẫn không tìm ra máy bay Flying Tiger 739. Do vậy, 107 người trên chuyến máy bay đó được coi như đã thiệt mạng. Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa tìm thấy xác của máy bay hay bất cứ hành khách nào. Các nhà điều tra không thể kết luận nguyên nhân chính xác gây ra tai nạn của chuyến bay 739.

Máy bay mang biệt danh Argo 16

Ngày 23/11/1973, một chiếc máy bay C-47 có biệt danh Argo 16 rơi xuống một khu công nghiệp ở Venice. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là lỗi của phi công. Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó kết luận, máy bay rơi do khủng bố, và vũ khí mà hung thủ sử dụng là một quả bom. Mossad, cơ quan tình báo của Israel là đối tượng tình nghi đầu tiên.

Vào cuối năm 1973, chính phủ Italy đã ký một hiệp định với Phong trào giải phóng Palestine. Mossad muốn sử dụng Argo 16 để gửi thông điệp cảnh báo. Đối tượng tình nghi thứ hai liên quan tới Operation Gladio, một phong trào do CIA hậu thuẫn. Operation Gladio bắn hạ Argo 16 nhằm đe dọa chính phủ Italy lúc bấy giờ. Tuy nhiên đến nay, kết luận cuối cùng về nguyên nhân máy bay rơi vẫn chưa được làm rõ.

Vụ tai nạn chuyến bay USAir 427 xảy ra năm 1994

Ngày 8/8/1994, chuyến bay nội địa số hiệu 427 của USAir cùng với 132 hành khách đang trên chuyến hành trình từ Chicago đến Pittsburgh thì 10 phút trước khi hạ cánh, máy bay xảy ra sự cố bất thường và rơi xuống mặt đất với vận tốc khoảng 500 km/h.

Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Đó là vụ tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thông thường, các nhà điều tra có thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn trong một hoặc hai tuần, tuy nhiên đối với vụ tai nạn này, cơ quan chức năng phải mất đến 4 năm để xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Các chuyên gia nghiên cứu mọi giả thiết có thể xảy ra và xác định rằng, hệ thống lái gặp sự cố đã khiến các phi công trong chuyến bay USAir 427 .

Người sống sót kỳ lạ

Máy bay McDonnell-Douglas DC-9 chở 28 người đã gặp nạn ở Hinterhermsdorf, Đông Đức ngày 26/1/1972. Vesna Vulovic là một tiếp viên hàng không trên chuyến bay khi bom phát nổ ở độ cao 10.050 m. Một người dân Đức sau khi tới hiện trường đã tìm thấy Vesna đang nhoài người ra khỏi máy bay nên đã tìm mọi cách để cứu cô. Khi đó, Vesna bị các chấn thương: rạn xương sọ, gãy hai chân và rạn 3 đốt sống. Sau khi phẫu thuật, đôi chân của Vesna có thể hoạt động bình thường và tiếp tục làm việc dưới mặt đất cho hãng hàng không trước đây. Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, người ta phát hiện lịch làm việc của Vesna ngày hôm đó bị nhầm với nữ tiếp viên khác cũng tên Vesna. Vì vậy, cô đã lên nhầm chuyến bay. Sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận Vesna là người sống sót rơi từ độ cao cao nhất mà không cần dù (hơn 10.000m).

Một số giả thuyết cho rằng, Ustashe Croatia là chủ mưu thực hiện vụ tấn công này. Tuy nhiên, các bằng chứng có được không đủ để đưa ra kết luận như vậy.

Chuyến bay mang số hiệu 553

Chuyến bay 553 của hãng hàng không United Airlines rơi ngày 8/12/1972 gần sân bay quốc tế Chicago Midway cướp sinh mạng của 43 hành khách và hai người trên mặt đất. Vụ tại nạn trở thành vấn đề bí ẩn khi một trong số các nạn nhân là Dorothy Hunt, vợ của một nhân viên CIA có dính líu tới vụ Watergate nổi tiếng. Người ta phát hiện xác cô bên cạnh một chiếc túi chứa 10.000 USD. Một số giả thuyết cho rằng, Dorothy Hunt chuyển số tiền này cho những người có liên quan tới vụ Watergate. Vì vậy, người đời thường nhắc đến sự vụ này là “tai nạn Watergate”. Tuy nhiên, lý do chuyến bay này gặp nạn vẫn là điều bí ẩn.

Cập nhật: 17/06/2016 Tổng hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video