12 con Giáp từ đâu ra?

Nguồn gốc của 12 con giáp

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao lại có 12 con giáp chưa? Nếu chưa thì mời bạn cùng xem bài viết dưới đây để biết được nguồn gốc cũng như cách tín can chi liên quan đến 12 con giáp này nhé.

Nguồn gốc của 12 con Giáp

Xưa nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng 12 con giáp có xuất xứ từ Trung Hoa. Tuy nhiên, mới đây, trong một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ - nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông phát hiện ra nguồn gốc 12 con giáp có xuất xứ từ Việt Nam.

Ngôn ngữ là “lá bùa” tổ tiên để lại

Theo văn hóa Phương Đông, lịch được xác lập theo chu kỳ thay đổi đều đặn của Mặt trăng. Do đó 12 con giáp ứng với 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm, 12 năm trong một giáp – đó là những nền tảng quan trọng để tính lịch và là dấu hiệu để nhận đoán về số mệnh của từng người theo cung Hoàng Đạo.

Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Hoa có một thời kỳ giao lưu văn hoá ít nhất 2000 năm. Những đợt giao lưu văn hóa cứ tiếp biến và chồng chất lên nhau khiến cho dấu hiệu nhận biết nét riêng của từng dân tộc rất khó khăn. Thêm vào đó, các tài liệu xưa không còn nhiều, nếu còn cũng chỉ trong kho thư tịch Hán cổ khiến cho việc nghiên cứu hết sức rắc rối và phức tạp. Chính điều này đã đốc thúc nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông cố công đi tìm cho bằng được những bí ẩn ngôn ngữ của tổ tiên mà theo ông đó là những “lá bùa” con cháu cần tìm lời giải.


12 con giáp Việt trong cung Hoàng Đạo

Ông Thông cho biết, ông bắt đầu việc nghiên cứu tiếng Việt của mình vào những năm đầu thập niên 1970 tại nước Australia. Trong một lần nghiên cứu về nguồn gốc 12 con giáp để lần tìm cội nguồn tiếng Việt ông đã phát hiện ra một số từ Việt cổ mà người Việt đã dùng để chỉ về 12 con giáp có nguồn gốc lâu đời trước khi 12 con giáp xuất hiện ở Trung Hoa. Vào những ngày cuối năm con trâu, tại Viện Việt học ở thành phố Westminster (California, Mỹ) ông đã có một buổi thuyết trình những khám phá thú vị của mình với chủ đề “Vết tích của tiếng Việt cổ trong tiếng Hán”.

Tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. Tên 12 con giáp là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc vì là những từ Hán Việt, nhưng khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, tôi đem so sánh trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn thì sự thật không phải vậy” – ông Thông nói.

Theo ông Thông thì tên 12 con giáp nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh và bằng cách ghi theo phiên âm (pinyin): zi, chou, yín, măo, chén, sì, wè, wèi, shèn, yòu, xù, hài... hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi tên 12 con giáp trong tiếng Trung Quốc hiện nay. Ngay cả khi phục hồi âm Trung Quốc thời Thượng Cổ thì vẫn không tương đồng với các cách gọi tên thú vật thời trước. Như vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp ngày nay thì dân tộc đó phải có liên hệ rất khăng khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này.

Từ điều này, khởi đầu cho việc nghiên cứu ông đi tìm nguyên do vì sao trong 12 con giáp của Trung Quốc, con Mèo bị thay bởi Thỏ. “Người Trung Quốc dùng thỏ thay cho mèo (biểu tượng của chi Mão/Mẹo) vì trong văn hóa người Trung Quốc thỏ là một loài vật rất quan trọng và thường được ghi bằng chữ tượng hình là Thố, giọng Bắc Kinh, là từ viết bằng bộ nhân không có từ để chỉ mèo. Hầu như chỉ có dân Việt mới dùng mèo cho chi Mão: nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a như kẻ/giả, vẽ/hoạ, xe/xa, khoe/khoa, hè/hạ, chè/trà, keo/giao, beo/báo... Vì thế mà mèo cũng là loài vật hiện diện trong đời sống dân Việt thường xuyên hơn” – ông Thông lý giải.

Vì sao Việt Nam không giữ được “thương hiệu”?

Thực tế, đã từng có nhiều công trình của nhiều tác giả cố gắng chứng minh văn hóa Trung Quốc có xuất phát từ văn hóa Việt Nam như tác giả Lê Mạnh Mát qua cuốn “Lịch sử âm nhạc Việt Nam - từ thời Hùng Vương đến thời kỳ Lý Nam Ðế” hay tác giả Nguyễn Thiếu Dũng với cuốn “Nguồn gốc Kinh Dịch”... Hầu hết các cuốn sách này đều cho thấy chiều vay mượn văn hóa là từ phương Nam vào thời thượng cổ, chứ không phải là từ Bắc xuống Nam (cũng như các nước chung quanh) vào các đời Hán, Ðường lúc văn hoá Trung Quốc cực thịnh. Tuy nhiên không tác giả nào đề cập đến nguồn gốc tên 12 con giáp, và rất ít dùng cấu trúc của chữ Hán, Hán cổ cùng các biến âm trong cách lý giải.

Theo ông Thông, ngoài hai chi Tý/Tử/chuột, Mão/ Mẹo/mèo là dễ nhận thấy nhất thì những chi còn lại khi so sánh trong tương quan ngữ âm, ngữ nghĩa cũng đều cho ra những kết quả khá bất ngờ.

Ví dụ với trường hợp của Thân là chi thứ 9 trong bản đồ Hoàng Đạo. Nếu xem cách viết chữ Thân bằng bộ điền với nét giữa dài hơn với cách viết chữ Khôn (một căn bản của Kinh Dịch có từ thời Thượng cổ) thì ta thấy bộ thổ hợp với chữ Thân hài thanh. Đây là liên hệ trực tiếp giữa Thân và Khôn, tuy nhiên tiếng Việt cổ có chữ khọn là con khỉ (người Huế hay người xứ Nghệ hiện nay một số chỗ vẫn còn những câu cửa miệng “tuồng mặt con khọn” để ám chỉ những người vô tích sự, chẳng làm chẳng nên trò trống gì). Thành ra, Thân chính là khỉ, tiếng Việt cổ dù biến âm th-kh rất hiếm gặp trong tiếng Việt ngày nay nhưng nó vẫn còn dấu tích của những từ cặp đôi như: thân- cận- gần, thận- cẩn (thận trọng, cẩn trọng).

Tương tự với trường hợp của con Rồng. Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng rồng là một con vật tiêu biểu cho vương quyền của phương Bắc và sau đó nó được chọn làm một trong 12 con vật có mặt trong 12 con giáp của cung Hoàng Đạo. Nhưng ít ai biết được rằng rồng thực sự là con vật chủ của người Việt cổ và ngày xưa người Việt đã có những từ ngữ riêng để nói đến rồng hay thìn. Thìn/Thần dấu tích còn lại trong giọng Bắc Kinh hiện nay chỉ còn chén – âm này có thể tương ứng với các âm trần, trầm, thần của Hán Việt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông thì nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là tlan (Tiếng Việt cổ - âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts - mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản...) và khuynh hướng đơn âm hoá để cho ra các dạng từ ghép như tlăn - thằn lằn, tlian - thuồng luồng... cho thấy vết tích của rồng trong các ngôn ngữ phương Nam.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc bị “lẫn lộn” về nguồn gốc 12 con giáp, ông Thông cho rằng “Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá Trung Quốc, từ đời Hán và sau đó là Đường, Tống... với sức ép của giai cấp thống trị từ phương Bắc tên 12 con vật tổ đã từ từ được thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá Trung Hoa hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ) trong đời sống người Việt”

Sự phát hiện mới mẻ này đã chứng minh cho sự phát triển của người Việt xưa trong cách tính lịch và làm nên một nền văn minh lúa nước rực rỡ ở phía Nam Đông Nam Á.

Cách tính giờ theo can chi của các cụ ngày xưa

  • Người xưa quan niệm Thiên là căn bản gốc, Địa là ngọn ngành. Lập ra Thiên can người xưa lấy số Dương của Hà Đồ (số lẻ) là 1, 3, 5, 7, 9, lấy số 5 ở giữa gấp đôi lên để bao hàm cả âm can (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) và cả dương can (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm), tất cả 10 can theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
  • Địa chi lấy số âm (số chẵn) là 2, 4, 6, 8, 10. Lấy số 6 ở giữa nhân gấp đôi để tạo thành 12 chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi bao gồm cả dương chi (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) và âm chi (Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi).
  • Thời xa xưa lấy mặt trời làm gốc. "Mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ". Gặp hôm trời u ám không thấy mặt trời, thật chả biết dựa vào đâu. Tương truyền có một người tên là Đại Nhiêu đã lập ra Thập can và Thập nhi chi để tính thời gian.

Thập can và Thập nhi chi phối hợp với nhau để sinh ra Lục thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm gọi là Ngyên). Lịch can chỉ ở 3 đời Hạ, Thương, Chu (bên Trung Quốc) không giống nhau. Hiện nay dùng lịch pháp đời Hạ, tức lấy tháng Dần làm khởi đầu của năm.

Việc tính giờ theo can chi cũng phần nào liên quan đến tập tính của các con vật.

  • Tý (23-1 giờ): Lúc chuột đang hoạt động mạnh.
  • Sửu (1-3 giờ): Lúc trâu đang nhai lại, chuẩn bị đi cày.
  • Dần (3-5 giờ): Lúc hổ hung hãn nhất.
  • Mão (5-7 giờ): Việt Nam gọi mèo, nhưng Trung Quốc gọi là thỏ, lúc trăng (thỏ ngọc) vẫn còn chiếu sáng.
  • Thìn (7-9 giờ): Lúc đàn rồng quây mưa (quần long hành vũ). Rồng chỉ là con vật do con người tưởng tượng ra, chứ không có thực.
  • Tỵ (9-11 giờ): Lúc rắn không hại người.
  • Ngọ (11-13 giờ): Ngựa có dương tính cao.
  • Mùi (13-15 giờ): Lúc dê ăn cỏ không ảnh hưởng tới việc cây cỏ mọc lại.
  • Thân (15-17 giờ): Lúc khỉ thích hú.
  • Dậu (17-19 giờ): Lúc gà bắt đầu lên chuồng.
  • Tuất (19-21 giờ): Lúc chó phải tỉnh táo để trông nhà.
  • Hợi (21-23 giờ): Lúc lợn ngủ say nhất.

Ngày nay, song song với việc sử dụng lịch dương nhằm trùng khớp nhịp độ sản xuất với thị trường thế giới, Việt Nam vẫn đang sử dụng 12 con giáp để phục vụ cho nhiều mục đích quan trọng như tính tuổi, xem ngày tháng tốt để làm những việc lớn như cưới hỏi, làm nhà, khai trương... Khoan đề cập đến những mặt lợi và hại mà lịch âm mang lại - thì 12 con giáp có thể được coi như là một di sản văn hóa phi vật thể đã được ông cha ta lưu truyền qua nhiều đời. Và chúng ta cần thiết phải bảo tồn nét văn hóa độc đáo này trước khi nó bị "lãng quên" trong quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Cập nhật: 23/11/2024 Tổng hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video