2005: Năm khám phá Thái dương hệ

Trong năm 2005, các nhà khoa học tiếp tục khám phá bí ẩn của Thái dương hệ thông qua những cuộc hạ cánh ngoạn mục và các quan sát đầy thú vị...


Hình ảnh tổng hợp về một số sự kiện thiên văn 2005

Năm 2005 mở đầu với sự kiện phi thuyền Huygens tách khỏi phi thuyền mẹ Cassini và đã hạ cánh xuống mặt trăng Titan của sao Thổ. Sau đó, Cassini phát hiện dường như có núi lửa và mưa methan trên đó.

Gần trái đất hơn, phi thuyền Deep Impact đã phóng một viên đạn đồng vào sao chổi Tempel 1, tạo ra một đám mây bụi và băng. Do sự xuất hiện của đám mây này và một camera không hoạt động tốt nên phi thuyền không thể nhìn thấy hố sâu được tạo ra trên bề mặt sao chổi.

Những quan sát thú vị

Giới thiên văn cũng rất hạnh phúc khi phát hiện một thiên thể mà có lẽ là hành tinh thứ 10 trong Thái dương hệ. Hành tinh này được đặt tên là Xena, lớn hơn Diêm vương tinh. Cuối năm 2005, chính nhóm phát hiện ra Xena lại quan sát thấy một mặt trăng quay quanh Xena và họ đặt tên cho nó là Gabrielle.

Một thiên thể lớn nữa, thuộc vành đai Kuiper và có kích cỡ bằng khoảng 70% Diêm Vương tinh, cũng được phát hiện trong năm nay. Tuy nhiên, thông tin này cần được khẳng định thêm.

Một thông tin chưa chắc chắn khác liên quan tới tiểu hành tinh Apophis.

Các quan sát vào cuối năm 2004 cho thấy thiên thể có đường kính 300m này có khả năng lao vào trái đất trong năm 2029. Các quan sát tiếp theo trong năm 2005 chỉ ra rằng chưa chắc đã xảy ra vụ va chạm trong năm 2029.

Tuy nhiên, việc Apophis lao ngang qua trái đất có thể làm quỹ đạo của thiên thể này thay đổi tới mức nó có thể lao vào trái đất trong năm 2034 hoặc sau đó.

Chưa hết, trong quỹ đạo Hoả tinh, phi thuyền Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu cuối cùng đã triển khai được Marsis sau nhiều tháng trì hoãn. Anten này đã tìm thấy dấu hiệu của nước lỏng ở một hố sâu, bị vùi lấp, do thiên thạch tạo ra.

Phi thuyền cũng tìm thấy bằng chứng về biển băng trên Hoả tinh.

Công việc lấy mẫu

Hai robot tự hành, Spirit và Opportunity, của NASA vẫn tiếp tục di chuyển trên Hoả tinh, quan sát các cơn lốc bụi, thiên thạch, các trận mưa sao băng và phân tích những khối đá chứa nhiều lưu huỳnh.

Chúng cũng đã vượt qua nhiều trở ngại về kỹ thuật. Opportunity bị sa lầy trong cát và phải mất năm tuần mới thoát khỏi chiếc bẫy này. Còn cánh tay robot của Spirit ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn. Cả hai robot sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai của chúng vào tháng 1/2006.

Mặc dù vậy, năm 2005 cũng đánh dấu một số thất bại: vệ tinh Cryosat của Esa và buồm mặt trời Cosmos 1 của Hiệp hội hành tinh, không được đưa vào quỹ đạo do tên lửa đẩy gặp trục trặc.

Còn phi thuyền lấy mẫu tiểu hành tinh của Nhật Bản gặp một loạt vấn đề. Robot Minerva của nó bị mất tích do được triển khai sai hướng. Nỗ lực hạ cánh xuống tiểu hành tinh và thu thập mẫu dường như không thành công. Nhật Bản dự định đưa phi thuyền Hayabusa trở về Trái đất vào năm 2010.

Minh Sơn

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video