Đó là Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Công ty FPT Telecom, và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Công nghệ WiMax đang là xu hướng mới cho các tiêu chuẩn giao diện vô tuyến trong việc truy nhập không dây băng thông rộng cho cả thiết bị cố định, xách tay và di động.
WiMax có các ưu điểm như tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao, có khi lên tới 70 Mb/s trong phạm vi 50km, chất lượng dịch vụ được thiết lập cho từng kết nối, an ninh tốt, hỗ trợ multicast cũng như di động, sử dụng cả phổ tần cấp phép và không được cấp phép.
WiMax thực hiện việc truyền tải dữ liệu tốc độ cao không dây bằng sóng siêu cao tần theo bộ tiêu chuẩn IEEE 802.16 với khoảng cách rất lớn. WiMax được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ ghép kênh chia theo tần số trực giao. Lợi ích của WiMax là khả năng ghép kênh cao, vì thế các nhà cung cấp dịch vụ có thể dễ dàng cung cấp cho khách hàng dịch vụ truy nhập không dây.
Hiện nay, công nghệ WiMax đã có phiên bản đầu tiên dựa trên toàn bộ tiêu chuẩn IEEE 802.16-2004 đang được thử nghiệm và chế tạo chipset. Giai đoạn phát triển tiếp theo của WiMax được dựa trên bộ tiêu chuẩn IEEE 802.16e, dự định triển khai vào năm 2006. Giống như Wi-Fi, WiMax có thể cung cấp kết nối băng thông rộng cho cả khách hàng sử dụng máy tính xách tay trong phạm vi điểm nóng truy cập hoặc trong một toà nhà có thể di chuyển mà vẫn giữ được kết nối băng rộng.
Việc sử dụng công nghệ WiMax đem lại nhiều lợi ích, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những nơi dân cư đông đúc khó triển khai hạ tầng cơ sở mạng dây dẫn băng rộng... Vì thế, WiMax được xem như công nghệ có hiệu quả kinh tế cao cho việc triển khai nhanh trong các khu vực mà các công nghệ khác khó có thể cung cấp dịch vụ băng thông rộng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, WiMax sẽ nhanh chóng vượt qua những công nghệ hiện có như Wi-Fi hay 3G, bởi khả năng kết nối băng thông rộng tốc độ cao trong phạm vi rộng lớn.
Tiếp sau công văn của Chính phủ, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ cấp phép cho 3 doanh nghiệp này trong tháng 2 năm nay.
Hoàng Hùng