4,5 triệu USD chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Chương trình UN-REDD (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp Quốc tại các nước đang phát triển) đang triển khai những hoạt động đầu tiên tại Việt Nam. Chính phủ Na - Uy đã cam kết tài trợ 4,5 triệu đô la cho dự án kéo dài 20 tháng này. 

Người dân tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi với ban chỉ đạo UN-REDD trong chuyến khảo sát thực địa ngày 15/7.


UN-REDD là chương trình hợp tác giữa Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) được thiết lập nhằm hỗ trợ thực thi quyết định của Tổ chức Công Ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và REDD tại hội nghị Hội nghị các Bên lần thứ 13 của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 13) và Kế hoạch hành động Bali.

Chương trình hỗ trợ các nước xây dựng năng lực để giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng đồng thời chuẩn bị thực hiện một cơ chế REDD tương lai trong bối cảnh khí hậu sau năm 2012. Chương trình toàn cầu chính thức khởi động từ tháng 9/2008 với tổng số tiền tài trợ 51,7 triệu đô la Mỹ và đến tháng 11/2009 đã có 9 nước tham gia. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện chương trình UN-REDD.

Ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng là biện pháp bảo vệ khí hậu hiệu quả và tương đối rẻ tiền so với các giải pháp khác. Ước tính dòng tiền cho việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD có thể lên tới 30 tỉ đô la mỗi năm. Đây là một nguồn tài chính đáng kể từ các nước phát triển có thể giúp giảm phát thải và hỗ trợ các chính sách vì người nghèo, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các dịch vụ sinh thái thiết yếu.

Báo cáo tại COP 13 của UNFCCC khẳng định Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trước đó, báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo những nguy cơ thiệt hại nặng nề do mực nước biển dâng cao đối với Việt Nam. Vì lý do đó, chương trình UN-REDD đã bắt đầu được triển khai từ tháng 9/2009 tại hai địa bàn thí điểm là huyện Lâm Hà và Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng bằng công việc cụ thể là tham vấn người dân.

Hàng chục tuyên truyền viên, trong đó có nhiều tuyên truyền viên là người địa phương đã đến từng hộ dân để thông tin về chương trình UN-REDD, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của việc chặt phá rừng đối với sự biến đổi khí hậu cũng như những lợi ích của việc giữ rừng. Từ tháng 4/2010 đến nay đã có 78 cuộc tham vấn được tổ chức với số người được tham vấn lên đến hơn 5.000 người. 

Thành công này của UN-REDD sẽ được nhân rộng ra những nước khác cũng tham gia chương trình này.


Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, quản đốc chương trình UN REDD thì "một trong những băn khoăn, trăn trở lớn nhất của chương trình là làm sao để thu hút được sự tham gia của người dân, làm thế nào để họ tin tưởng và đồng thuận với chương trình UN REDD nhưng đồng thời cũng không để bà con quá kì vọng vào REDD khi REDD chưa chính thức được thực hiện tại Việt Nam".

Kết quả đạt được rất đáng khích lệ: người dân đã nhiệt tình ủng hộ chương trình và cam kết sẽ tham gia giữ rừng khi cơ chế REDD chính thức được triển khai.

Vừa qua, ban chỉ đạo chương trình UN-REDD và Đại sứ Na Uy, Stale Torstein Risa đã có chuyến khảo sát thực địa và tiếp xúc với cộng đồng tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về REDD, đánh giá về tình hình triển khai UN-REDD tại VN cũng như trả lời những thắc mắc của người dân địa phương về chương trình. Chương trình đã nhận được sự hợp tác toàn diện của UBND tỉnh Lâm Đồng để dự án được diễn ra trong những điều kiện tốt nhất.

Một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhất là họ sẽ nhận được gì nếu tham gia chương trình UN-REDD, hay nói cách khác là họ sẽ nhận được gì nếu tham gia bảo vệ rừng? Người dân hiểu lợi ích của rừng nhưng vì kế sinh nhai họ không thể cứ bảo vệ rừng rồi đợi thêm 10-15 năm nữa mới được đền bù. Chính vì vậy Chính phủ VN đã giao cho Bộ NN và PTNT trực tiếp đàm phán với các nhà tài trợ, trong đó có Chính phủ Na Uy để làm sao có dự án thí điểm dịch vụ bảo vệ môi trường rừng này.

Ông Phạm Mạnh Cường, trưởng nhóm REDD quốc gia cho biết Việt Nam đang hoàn thiện dự án chi tiết để chuyển cho phía Na Uy nghiên cứu vào tháng 10 năm nay. Nếu dự án thí điểm được thông qua, các hộ dân tham gia vào chương trình UN REDD, bảo vệ rừng sẽ được chi trả một khoản tiền hàng năm để họ làm công việc này. Một phần tiền cũng được dùng để xây dựng các công trình công cộng và an sinh xã hội.

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video