Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA đã phát hiện ra một loạt các hành tinh lang thang bí ẩn, trôi tự do chứ không nằm trong bất kỳ Hệ Mặt trời nào.
Theo Science Alert, chỉ trong vòng 2 tháng, "thợ săn ngoại hành tinh" của NASA đã giúp các nhà khoa học ghi nhận được 27 tín hiệu lạ cho thấy một hành tinh lang thang có thể đang di chuyển ngang qua ống kính. 4 tín hiệu trong số đó cho thấy một hành tinh có khối lượng tương đương với Trái đất, có thể mang cùng kết cấu.
Chân dung một "hành tinh lang thang" - (Ảnh đồ họa từ Universe Today).
"Những tín hiệu này cực kỳ khó tìm thấy" – nhà thiên văn Ianin Mc Donald từ Đại học Manchester (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.
"Hành tinh lang thang" là cụm từ ám chỉ những thế giới lang thang vô định, không có sao mẹ kìm giữ, nên trôi bất tận trong bóng tối vũ trụ. Vì không được chiếu sáng nên quan sát chúng rất khó. Ngoài 27 tín hiệu mà Kepler quan sát được, các đài thiên văn khắp thế giới chỉ ghi nhận được thêm 22 tín hiệu khác.
Tín hiệu dạng này gọi là "sự kiện microlensing" – thường chỉ là một điểm sáng tinh vi trong vũ trụ, hiện ra như "cái chớp mắt của con đom đóm giữa đường cao tốc", theo mô tả của nhóm nghiên cứu.
4 sự kiện đặc biệt ngắn – đại diện cho 4 hành tinh lang thang giống Trái đất – là những sự kiện quý giá nhất được ghi nhận.
Đáng chú ý Kepler là kính viễn vọng đã "nghỉ hưu" của NASA. Nghiên cứu này dựa trên việc phân tích lại các dữ liệu mà nó đã thu thập được khi còn hoạt động. Vì vậy hoàn toàn có thể hy vọng các kính viễn vọng không gian mới hơn, đang hoạt động và sẽ được phóng lên sẽ giúp giải mã được bí ẩn về "hành tinh lang thang".
Có nhiều giả thuyết về hành tinh lang thang: có thể chúng bị văng ra khỏi một hệ sao, hoặc hình thành trực tiếp từ "hư vô", tức những đám khí và bụi trong một sự kiện bí ẩn nào đó, chứ không từ một đĩa tiền hành tinh quanh một ngôi sao. Chúng dường như trôi không định hướng khắp thiên hà của chúng ta. Một số nghiên cứu thậm chí đã xem xét khả năng sinh sống được của dạng hành tinh này và các mặt trăng của chúng.
Nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.