Nếu bạn nghĩ rằng "Happy New Year" là ca khúc năm mới nổi tiếng nhất trên thế giới thì bạn đã lầm. Trên thực tế, ca khúc này của Abba chỉ đặc biệt phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia khác. Hãy thử tìm hiểu những điều thú vị về bài hát Happy New Year mà chúng tôi tổng hợp dưới đây.
Trong khoảng vài thập kỷ trở lại đây, ca khúc Happy New Year của Abba thường được vang lên mỗi dịp năm hết Tết về. Nó phổ biến tới mức đã khắc sâu vào tâm tưởng của không ít thế hệ người Việt. Nhiều đứa trẻ thậm chí còn hát thuộc lòng dù không hiểu nội dung là gì. Các giáo viên dạy tiếng Anh cũng hay dạy đoạn điệp khúc của Happy New Year cho học sinh để chúng có thể ngân nga vào đêm giao thừa.
Ban nhạc ABBA huyền thoại.
Vậy bạn đã biết gì về Happy New Year, ca khúc vốn đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta rồi?
1. Ra đời trong giai đoạn Abba sắp tan rã
Abba bao gồm 4 thành viên: Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad.
Thành lập từ năm 1972, Abba là một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất và bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 500 triệu bản thu âm. Năm 1979, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Björn Ulvaeus và Agnetha Fältskog tuyên bố ly dị. Điều này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cả ban nhạc. Không lâu sau, Benny Anderson và Anni-Frid Lyngstad cũng đường ai nấy đi. Kết quả là Abba chính thức tan rã vào năm 1982 và chưa bao giờ tái hợp. Happy New Year đã ra đời trong giai đoạn buồn bã này (1980).
2. "Happy New Year" không phải là cái tên đầu tiên
Ban đầu, Happy New Year có một cái tên khá hài hước là Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day.
Ban đầu, Happy New Year có một cái tên khá hài hước là Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day và nằm trong album Super Trouper. Vào thời điểm đó, Abba không hề đánh giá cao ca khúc này. Nó thậm chí còn không được phát hành dưới dạng đĩa đơn cho mãi đến năm 1999. Benny Anderson từng chia sẻ về Happy New Year như sau: "Một bài hát gần với Giáng sinh nhưng cũng chẳng phải để đón mừng năm mới".
Felicidad là phiên bản tiếng Tây Ban Nha của ca khúc. Phiên bản này từng đứng hạng 5 trong bảng xếp hạng của Argentina.
Năm 1999, tận dụng việc cả thế giới đang háo hức chuẩn bị bước sang một thiên niên kỷ mới, Abba chính thức tung ra Happy New Year như đĩa đơn nhằm quảng bá cho những album khác của mình. Tuy nhiên, ca khúc chỉ khiêm tốn đứng hạng 34 tại Thụy Điển (quê hương của Abba), hạng 15 tại Hà Lan và hạng 75 tại Germany.
3. Ca khúc buồn trên nền nhạc sôi động
Giai điệu của Happy New Year tươi vui, rộn ràng và ấm áp thế nhưng ý nghĩa đằng sau từng câu chữ lại không hân hoan được như vậy. Giọng hát ngọt như kẹo của Agnetha mở đầu bài hát bằng câu: "No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you. Feeling lost and feeling blue. It's the end of the party. And the morning seems so grey. So unlike yesterday..." (tạm dịch: "Rượu đã cạn. Và pháo hoa cũng tắt. Chỉ còn mình anh và em ở đây. Cảm thấy lạc lõng và buồn bã. Tiệc đã tàn. Và bình minh sao ảm đạm quá. Không giống như ngày hôm qua").
Khung cảnh buổi tiệc tàn trong MV.
Nỗi buồn dường như len lỏi vào trong từng câu chữ. Một thứ cảm xúc đặc trưng giống như lòng người mỗi khi đối mặt với dòng chảy vô cùng tận của thời gian. Mặc dù vậy, đoạn điệp khúc và nửa đoạn sau lại có phần tươi sáng hơn khi bày tỏ một hy vọng vào tương lai phía trước với bạn bè và niềm hạnh phúc.
4. Phản ánh một thập niên đầy biến động
Bài hát phần nào phản ánh sự thất vọng não nề mà Benny và Bjorn (đồng sáng tác) dành cho một thập niện đầy biến động.
Nhiều người cho rằng bên cạnh yếu tố cá nhân của Abba, Happy New Year còn xuất hiện trong bối cảnh thế giới vừa kết thúc thập niên 70 với hàng loạt cuộc khủng hoảng từ khắp mọi châu lục như: chiến tranh Việt Nam, cuộc chạy đua vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô, xung đột ở Trung Đông, diệt chủng Polpot, thiếu hụt năng lượng và nạn đói tràn lan. Chính vì thế, bài hát đã phần nào phản ánh sự thất vọng não nề mà Benny và Bjorn (đồng sáng tác) dành cho một thập niện đầy biến động.
5. Happy New Year không phải là bài hát năm mới nổi tiếng nhất
Auld Lang Syne phiên bản do Mariah Carey hát.
Sự phổ biến của Happy New Year tại Việt Nam đã khiến cho nhiều người tin rằng nó luôn được phát vào dịp giao thừa tại nhiều quốc gia khác. Đáng tiếc, thực tế không phải như vậy. Ca khúc năm mới phổ biến nhất trên thế giới thuộc về Auld Lang Syne. Đây là bài hát dân ca truyền thống được phổ nhạc từ một bài thơ Scotland do Robert Burn sáng tác vào năm 1788. Trong khi đó, Happy New Year thì đặc biệt nổi tiếng tại Việt Nam, Thụy Điển và một vài quốc gia không nói tiếng Anh.
Tại sao người Việt cứ thích nghe Happy New Year?
Có lẽ vì đã quá quen thuộc đối với người Việt, dù không biết lời bài hát như thế nào, nhưng cứ mỗi khi bật lên là tưởng như năm mới đã đến. Quả thật, cứ đến gần những ngày cuối năm, bỗng đâu lại vang lên câu "Happy New Year, Happy New Year" khiến lòng ai cũng nao nao một cảm xúc khó tả. Dù lời bài hát có vẻ buồn và ảm đạm, nhưng giai điệu của nó chính là cảm xúc của những người đang thổn thức muốn kết thúc năm cũ, đón năm mới.
Xét về cả phần lời lẫn phần nhạc, Happy New Year chạm đến một phép cân bằng hoàn hảo. Không quá vui, không quá buồn, không quá màu mè, không quá mộc mạc, không quá sôi động mà cũng chẳng ủy mị. Có lẽ vì thế mà cứ vào dịp cuối năm, người Việt vẫn hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng khi lắng nghe giai điệu thân thuộc này.