5 điều mọi người hay hiểu lầm về xương

Bạn có thể bị gãy xương mà không hề thấy đau.

Đá ngón chân út vào cạnh bàn là một trải nghiệm khó quên với tất cả những ai từng gặp phải nó. Ngoài cơn đau điếng người mà nó gây ra, bạn sẽ phải tự hỏi xem liệu xương ngón chân của mình có gãy hay bị làm sao không.

Lúc này, ai đó có thể bày cho bạn một mẹo nhỏ: Thử động đậy ngón chân xem, nếu nó còn cử động được thì xương vẫn chưa làm sao cả.

Nhưng liệu điều này có đúng hay không? Hãy cùng giải mã 5 ngộ nhận về chuyện gãy xương mà mọi người hay mắc phải:


Ảnh chụp X-quang xương bị gãy.

Một khi còn động đậy được thì xương chưa có gãy - Sai

Trên thực tế, đôi khi bạn vẫn có thể cử động ngay cả khi xương đã gãy. Cử động không phải là dấu hiệu để nhận biết xương gãy hay không. Thay vào đó, có 3 triệu chứng cơ bản xảy ra khi xương gãy là đau, sưng và biến dạng cơ thể.

Nếu xương bị bẻ một góc 90 độ, nó chọc ra hẳn ngoài da thì gần như chắc chắn là nó đã gãy rồi. Một dấu hiệu khác là bạn nghe thấy một tiếng gãy như "rắc" khi tai nạn xảy ra.

Ngoài ra, để biết chắc xương có gãy hay bị rạn hay không, bạn phải đến bệnh viện để chụp X-quang.

Không đau nhiều chứng tỏ xương chưa gãy - Sai

Rất nhiều người kể lại rằng họ từng bị vấp ngã, nhưng sau đó vẫn tiếp tục trượt tuyết, đi bộ hoặc thậm chí nhảy múa, mà không nhận ra họ đã bị gãy xương. Đa phần những ca gãy xương sẽ khiến bạn đau và cực kỳ đau đớn. Nhưng nếu chỉ bị vỡ một mẩu xương nhỏ, bạn có thể không nhận ra điều đó.

Một khi bạn phát hiện ra xương mình đã bị gãy, quan trọng là bạn phải được sơ cứu bởi người có chuyên môn để đảm bảo xương được đưa về đúng chỗ và được giữ đúng vị trí suốt thời gian chúng lành lại. Điều này giúp vết thương không gây ra nhiễm trùng hoặc biến dạng vĩnh viễn.

Nhưng có một điểm đặc thù liên quan giữa việc bị gãy xương và cảm giác đau, mặc dù đó không phải cơn đau ngay khi xương bạn bị gãy. Một nghiên cứu của Đại học Southampton khảo sát khoảng nửa triệu người trưởng thành chỉ ra những người từng bị gãy tay, chân, cột sống hoặc hông nhiều khả năng phải đối mặt với những cơn đau lan rộng khắp cơ thể trong vài thập kỷ sau đó. May mắn thay, chứng đau này không phổ biến lắm.


Không phải vì bạn không thấy đau mà xương bạn không bị gãy.

Chỉ phụ nữ da trắng lớn tuổi mới phải lo bị gãy xương do loãng xương - Sai

Hãy bắt đầu với tuổi tác. Đúng là phụ nữ lớn tuổi có nhiều khả năng bị gãy xương hơn phụ nữ trẻ. Những thay đổi nội tiết tố của thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến loãng xương nhanh tạo điều kiện cho các vết nứt trên xương xuất hiện.

Khi nói đến chủng tộc, ở Hoa Kỳ, số lượng phụ nữ da trắng gãy xương hông cũng nhiều gấp đôi phụ nữ da đen. Một số yếu tố đã được đề xuất để giải thích hiện tượng này. Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ da đen có khối lượng xương cao hơn từ thời thơ ấu, và tốc độ tái tạo xương của họ cũng nhanh hơn, giúp bù đắp sự suy giảm mật độ khoáng trong xương khi về già.

Nhưng phải nói rằng, phụ nữ da đen vẫn có thể bị loãng xương, chỉ là tỷ lệ thấp hơn mà thôi. Khoảng 5% phụ nữ da đen trên 50 tuổi bị loãng xương. Mặc dù vậy ở Mỹ, phụ nữ Mỹ gốc Phi ít được quan tâm để sàng lọc loãng xương hơn phụ nữ da trắng, và nếu được chẩn đoán, họ cũng ít có khả năng được điều trị theo quy định.

Nghi gãy ngón chân thôi thì chẳng cần đi bác sĩ - Sai


Một người bị gãy ngón chân út nhưng vẫn phải bó bột.

Trở lại với việc bạn đá ngón út vào chân bàn, liệu có phải đi gặp bác sĩ không? Trên thực tế, gãy ngón chân nhiều khi không phải bó bột, nhưng nó vẫn cần phải được kiểm tra y tế.

Các bác sĩ cần tìm ra và khắc phục vấn đề (nếu có) để giúp bạn giảm đau và phòng ngừa những dị tật sau này, thứ có thể khiến bạn không thoải mái khi đi giày hoặc tăng nguy cơ viêm khớp. Nếu ngón chân của bạn bị gãy và gập một góc khác thường, các biện pháp điều trị phức tạp hơn, thậm chí, phẫu thuật là cần thiết.

Nhưng thực tế, hầu hết các ngón chân bị gãy có thể được dán vào các ngón chân ở hai bên và giữ ổn định trong một chiếc giày cứng đặc biệt. Để nó lành lại thường phải mất từ 4-6 tuần. Nếu bị gãy ngón chân cái, trong trường hợp nghiêm trọng bạn cần bó bột đến bắp chân từ 2-3 tuần, sau đó tiếp tục phải dán cố định nó vào ngón chân bên cạnh một thời gian nữa.

Điều thú vị là, ngón chân cái có nguy cơ bị gãy thấp hơn tới một nửa so với các ngón chân còn lại.

Nếu bạn bị gãy xương bàn chân – xương ngay trên các ngón – bạn có thể không cần phải bó bột, và chỉ cần tránh hoạt động. Điều này là do xương bàn chân có xu hướng giữ thẳng nhau, hai xương hai bên chiếc xương gãy hoạt động như một nẹp tự nhiên, bởi vậy mà trong 80% các trường hợp gãy xương bàn chân, chúng vẫn ở đúng vị trí.


Gãy xương bàn chân nhiều khi không cần bó bột.

Nhưng nếu xương bị nứt hở, hoặc chúng không ở vào đúng vị trí, bạn có thể cần phải được điều trị. Và điều này thường xảy ra ở xương bên dưới ngón chân cái bởi vì nó không có sự hỗ trợ của các xương bên cạnh. Tương tự như vậy, gãy xương bên dưới ngón chân út đôi khi nghiêm trọng đến mức phải phẫu thuật hoặc bó bột.

Trong trường hợp nhẹ hơn, bác sĩ sẽ nẹp êm ngón chân gãy cho bạn. Nhưng bạn vẫn phải hạn chế sử dụng chúng, có thể là phải chống nạng trong 1-2 tuần.

Sau khi xương gãy lành, nó sẽ khỏe hơn - Sai

Điều này nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật. Nhưng trên thực tế, đúng là xương mới lành sẽ cứng hơn trong vòng vài tuần.

Điều này là vì trong quá trình hồi phục, cơ thể tạo ra một lớp bảo vệ xung quanh xương gãy. Nhưng lớp bảo vệ này sẽ tự động biến mất sau đó. Khi tế bào xương được thay mới trong chu kỳ của cơ thể, tất cả xương của bạn dù là chỗ gãy hay chỗ lành cũng có độ cứng và khỏe tương đương nhau.

Cập nhật: 15/10/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video