Với 15 triệu người hút thuốc lá và hơn 4 triệu người hút thuốc lào, Việt Nam nằm trong “top” những nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Ước tính năm 2030 có thể có 70.000 người dân chết vì khói thuốc.
Theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TPHCM, nghiên cứu mới đây nhất cho thấy khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư. Khi đi vào cơ thể các chất độc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Khói thuốc lá đang hủy hoại sự sống của con người.
Nhận thức được sự nguy hại của khói thuốc đến sức khỏe cộng đồng, những năm qua TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang không ngừng tuyên truyền vận động người dân “nói không với thuốc lá”. Hơn 1 năm lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng đi vào cuộc sống nhưng cấm cứ cấm hút cứ hút, hình ảnh những đám người “túm năm tụm ba” phì phèo khói thuốc đâu đâu cũng gặp.
Hậu quả của khói thuốc đã dẫn đến con số thương tâm 40.000 người chết mỗi năm (cao gấp 4 lần tử vong vì TNGT). Chỉ tính riêng 3 căn bệnh do khói thuốc (phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim) thì chi phí y tế đã “ngốn” hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Phải chăng đây là sự hạn chế của “chiến dịch” cấm hút thuốc lá nơi công cộng?
Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, 95,7% cộng đồng đã nhận thức được tác hại của thuốc lá và 87% người dân biết về tác hại của thuốc lá thụ động.
Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành vi vẫn còn khoảng cách “quá xa”, số người hút thuốc trong cộng đồng vẫn chưa có nhiều biến chuyển sau nhiều năm vận động, tuyên truyền. Dự tính số người tử vong vì hút thuốc vào năm 2030 sẽ lên đến 70.000 người nếu không có giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng và sự thay đổi trong hành vi của người dân.