Tuy giống như một tình trạng bệnh riêng, hội chứng sương mù não (brain fog) thực chất là một tình trạng bệnh gây ra bởi một loạt các vấn đề về sức khỏe. Hội chứng này bao gồm các triệu chứng như khó tập trung, hay quên, đờ đẫn và đãng trí.
Nguyên nhân gây sương mù não và cách phòng tránh
Mặc dù danh sách tham khảo dưới đây rất hữu ích, nhưng nếu hội chứng sương mù não của bạn trở nên nghiêm trọng và gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám bác sĩ.
Trạng thái lo âu
Mặc dù người bị lo âu có thể dễ dàng xác định nguyên nhân, chứng bệnh này cũng có thể mãn tính và không có bất cứ nguyên nhân nào, khiến cho người bệnh khó nhận biết tình trạng hơn.
Lo âu có thể khiến bạn gặp nhiều triệu chứng của bệnh sương mù não, chẳng hạn như khó tập trung và khó suy nghĩ thông suốt.
Bắt đầu dùng thuốc mới
Một số dược phẩm và thuốc được kê theo đơn có thể khiến người bệnh bị mất trí nhớ và gặp phải hội chứng sương mù não, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Các loại thuốc được cho là gây ra các tác dụng phụ này bao gồm thuốc chống lo âu, thuốc chống động kinh và thuốc giảm đau gây mê.
Một số dược phẩm và thuốc được kê theo đơn có thể khiến người bệnh bị mất trí nhớ và gặp phải hội chứng sương mù não.
Mất ngủ
Mất ngủ có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đờ đẫn và ảnh hưởng đến chức năng phán đoán và trí nhớ của người bệnh.
Theo tờ Healthline, mất ngủ cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ lên thể chất như tăng nguy cơ bị đột quỵ, lên cơn hen suyễn, co giật, huyết áp cao và bị bệnh tim.
Thiếu sắt trong thực đơn dinh dưỡng
Sắt giúp cơ thể con người vận chuyển oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể. Vì vậy, nếu bị thiếu hụt sắt, bạn có thể gặp một số triệu chứng đáng lo ngại, bao gồm cả hội chứng sương mù não.
Để biết được mình có bị thiếu sắt hay không, người bệnh thường phải làm xét nghiệm máu, do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu gặp phải hội chứng sương mù não cùng với các triệu chứng khác như tứ chi lạnh toát, tim đập nhanh và đau lưỡi.
Thiếu hụt vitamin B12
Việc gặp khó khăn khi suy nghĩ và lập luận là một trong những triệu chứng thiếu hụt vitamin B12. Theo trang Harvard Health, một số triệu chứng khác do thiếu hụt vitamin này bao gồm chóng mặt mất thăng bằng, cơ thể suy yếu, mệt mỏi và tê hoặc ngứa ran tay chân hoặc bàn chân.
Người lớn tuổi bị thay đổi chế độ ăn uống hoặc giảm lượng thức ăn cũng như những người ăn chay theo chế độ nghiêm ngặt và những người thuần chay có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin B12 nếu không hấp thụ đủ chất này.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính đi kèm với khá nhiều triệu chứng bao gồm đau họng và đau đầu.
Những người mắc hội chứng mãn tính trên thường xuyên gặp các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn và tập trung, mà những triệu chứng này lại có quan hệ mật thiết đến hội chứng sương mù não.
Bệnh đau nhức toàn thân
Theo Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR), đau nhức toàn thân là "một chứng bệnh thần kinh phổ biến gây tình trạng đau yếu trên khắp cơ thể".
Những người bị đau nhức toàn thân mắc phải hội chứng sương mù não thường sẽ quen với thuật ngữ "fibro fog" (sương mù sợi của bệnh đau nhức toàn thân) khi mô tả triệu chứng này.
Bác sĩ Rob Keenan, trợ lý giáo sư chuyên về bệnh thấp khớp tại Đại học Y khoa Duke chia sẻ với Tổ chức Arthritis Foundation (Quỹ giúp đỡ bệnh nhân viêm khớp tại Mỹ): "Bệnh nhân của tôi tiết lộ rằng triệu chứng sương mù sợi có cảm giác như uống thuốc cảm lạnh liên tục. Họ cảm thấy khó tập trung, liên kết câu từ, trò chuyện cũng như khó tỉnh táo và ghi nhớ mọi thứ".
Người bị đau nhức toàn thân mắc phải hội chứng sương mù não thường sẽ quen với thuật ngữ "fibro fog".
Bệnh Lyme
Căn bệnh do bọ ve đốt này ảnh hưởng xấu đến rất nhiều bệnh nhân và nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể phát triển thành căn bệnh Lyme mãn tính, dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe liên quan đến não, hệ thần kinh, cơ bắp, tuần hoàn, tiêu hóa, v.v.
Vì mỗi bệnh nhân trải qua các triệu chứng bệnh Lyme khác nhau, nên đôi khi khó có thể phát hiện ra căn bệnh này.
Một số trong nhiều triệu chứng của bệnh Lyme bao gồm hội chứng sương mù não, mệt mỏi và ớn lạnh.
Cách phòng tránh sương mù não
Tránh để cơ thể căng thẳng quá lâu
Ngay cả khi chúng ta đang "thư giãn" thì cơ thể cũng có thể đang căng thẳng về mặt thể chất. Chẳng hạn như nằm ngủ sai tư thế gây cứng cổ, tập yoga hoặc chơi thể thao bị đau lưng, đau vai.
Trong những trường hợp như vậy, ngoài việc tìm cách xoa dịu cơn đau, tiến sĩ Tara Swart Bieber khuyên nên thực hiện bài tập hít thở sâu.
Hít vào thật sâu, sau đó nhịn thở chừng 4 giây rồi thở mạnh ra, giải phóng tất cả không khí ra khỏi phổi trong 4 giây tiếp theo. Sau đó lại nhịn thở 4 giây nữa và lặp lại việc hít vào thở ra như vậy ít nhất 4 vòng.
Hít thở sâu là một cách đơn giản để giúp làm dịu bộ não của chúng ta. Các nghiên cứu khoa học trước đây cũng chỉ ra rằng nó có thể làm giảm mức độ cortisol, là chất hóa học được sản xuất khi cơ thể bị căng thẳng.
Không dùng máy tính, điện thoại trước khi đi ngủ
Đây là thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Ban đêm là thời gian mà mắt và não bộ cần nghỉ ngơi. Việc lướt Facebook, TikTok hoặc xem phim trước khi đi ngủ có thể khiến não bộ phải hoạt động nhiều và mệt mỏi hơn.
Thay vì xem điện thoại, nên đọc sách để giảm tác động từ ánh sáng màn hình. Một vài động tác giãn cơ, matxa cơ bắp thời gian này và tránh uống trà, cà phê cũng giúp chúng ta có giấc ngủ ngon hơn.
Mỗi người trưởng thành cần ngủ khoảng tám tiếng mỗi ngày. Nhiều hơn mức thời gian đó có thể dẫn đến tâm trạng chán nản và ít hơn mức đó cũng sẽ không cho não đủ thời gian để nghỉ ngơi và thiết lập lại hoạt động.
Giảm tiêu thụ đường
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ cho sức khỏe tốt toàn diện, bao gồm cả sức khỏe não bộ. Quan trọng nhất là cần giảm lượng đường nạp vào cơ thể.
Glucose (đường) là năng lượng chính của cơ thể mỗi chúng ta. Nhưng giống như mọi nguồn thực phẩm hay vitamin khác, glucose chỉ phát huy tác dụng tối ưu khi nạp vào lượng vừa phải.
Quá nhiều hay quá ít glucose đều gây tác động đến hoạt động não, khiến chúng ta trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, rối loạn tâm thần và suy giảm khả năng phán đoán.
Thiền
Thiền ít nhất 12 phút mỗi ngày giúp giảm thiểu sương mù não vào ngày hôm sau.
Theo tiến sĩ Tara Swart Bieber, thiền ít nhất 12 phút mỗi ngày và thực hiện vào ban đêm có thể giúp giảm thiểu sương mù não vào ngày hôm sau.
Cách thức "thiền" rất đơn giản: Ngồi hoặc nằm xuống ở một vị trí thoải mái, loại bỏ tất cả phiền nhiễu trong đầu, hít thở sâu và để tâm trí được nghỉ ngơi.
Nếu không thích thiền, bạn có thể thực hiện các hoạt động thư giãn khác như nấu ăn hoặc đi dạo trong không gian yên tĩnh.
Một lời khuyên rất thú vị từ nhà thần kinh học này là "nghĩ ra một câu ‘thần chú’ và đọc vào mỗi buổi sáng". Chẳng hạn như: "Tối nay tôi sẽ đi ngủ sớm, ngủ thật ngon và ngày mai sẽ khỏe mạnh".
Bằng cách nói to các mục tiêu với chính mình, bạn có thể bắt đầu có chủ ý hơn trong việc thay đổi thói quen của mình. Và thông qua sự lặp lại đó, bộ não và cơ thể của bạn sẽ bắt đầu làm theo.