Ông Nguyễn Ngọc Bình, Cục trưởng Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, cả nước hiện có 8-9 triệu ha đất chưa sử dụng, có nguy cơ biến thành sa mạc. Đối phó với khả năng xấu này, Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá.
"Nói đến sa mạc người ta hay nghĩ về châu Phi hay Trung Đông, nơi cát mênh mông. Nhưng thực chất, ngay tại vùng rừng xanh tốt, đất đang canh tác cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành hoang mạc, sau đó là sa mạc nếu không có biện pháp canh tác bền vững", ông Bình cảnh báo.
Phá rừng làm rẫy đang làm tăng nguy cơ sa mạc hóa. (Ảnh: Công An TP HCM) |
Ông Bình cho biết, đất sa mạc vẫn có thể sử dụng. Một số nước như Isarel đã trồng cây chà là nhưng phải đầu tư rất tốn kém. Các quốc gia vì thế đều tích cực bảo vệ đất trước khi biến thành sa mạc.
Cục trưởng Bình tỏ ra lo ngại khi một số tỉnh ven biển đã không nghiên cứu kỹ nguồn nước, phá rừng nuôi tôm, kết quả tôm không hiệu quả, trong khi đất lại bị tái nhiễm mặn. Tại các tỉnh miền núi phía bắc, việc phát nương, làm rẫy khiến đất bị thoái hóa vẫn diễn ra.
Mục tiêu của chương trình hành động quốc gia đến năm 2010 là cấp bách chống sa mạc hóa cho 4 vùng Tây Bắc, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên; đến năm 2020 sẽ khắc phục cơ bản các nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra sa mạc hóa, hạn chế quá trình sa mạc hóa do các nguyên nhân từ tự nhiên.
Hồng Khánh