Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Ấn Độ ngày 31/10 đưa ra cảnh báo về mức độ phức tạp cao trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa, trong khi nước này đang chuẩn bị phóng tàu thăm dò đầu tiên của mình lên nghiên cứu bầu khí quyển hành tinh đỏ.
>>> Ấn Độ dời ngày phóng tàu thăm dò sao Hỏa
"Chúng ta có thể thấy rằng cho đến nay có 51 sứ mệnh hướng đến sao Hỏa và chỉ có 21 sứ mệnh thành công", ông K. Radhakrishnan nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn và cho biết thêm: "Đó là một sứ mệnh phức tạp".
Theo kế hoạch, tàu thăm dò Mars Orbiter nặng 1,3 tấn của Ấn Độ sẽ bắt đầu nhiệm vụ kéo dài 300 ngày vào hôm 5/11, khi nó được tên lửa đẩy đưa lên không gian từ Trung tâm vũ trụ Sriharikota ở vịnh Bengal.
Theo ông Radhakrishnan, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), thì trong khoảng không vũ trụ, chúng ta không cần phải lo lắng về thành công hay thất bại bởi sự khác biệt giữa thành công và thất bại là rất mong manh.
Sau mặt trăng đến lượt sao Hỏa nằm trong tham vọng khám phá của Ấn Độ - (Ảnh: AFP)
"Nhưng phải làm việc tốt và tốt nhất. Và nếu sứ mệnh thất bại thì phải tìm hiểu. Thất bại là một bước đệm cho thành công", ông này nói thêm.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Ấn Độ cũng cho biết sứ mệnh Mars Orbiter là một "bước ngoặt" cho tham vọng khám phá vũ trụ của nước này, sau thành công của tàu Chandrayaan-1 được New Delhi phóng lên quỹ đạo mặt trăng trong năm 2008.
Cho đến nay, một số ít quốc gia đã thực hiện việc phóng tàu thăm dò đến nghiên cứu sao Hỏa, bao gồm Mỹ, Nga, Nhật, Liên minh châu Âu và đối thủ khu vực của Ấn Độ là Trung Quốc, nước thất bại hồi năm 2011.
Nói với AFP, ông Radhakrishnan phủ nhận bất cứ thông tin nào cho rằng Ấn Độ đang cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đã đưa được phi hành gia vào không gian.
Được biết, sứ mệnh trị giá 73 triệu USD phóng tàu Mars Orbiter (hay còn gọi là tàu Mangalyaan) bay đến quỹ đạo sao Hỏa sẽ được thực hiện bằng tên lửa đẩy bốn tầng PSLV cải tiến (còn gọi là PSLV-XL) nặng 350 tấn.
Theo dự kiến, tàu Mars Orbiter sẽ mất khoảng 10 tháng để bay hết quãng đường 400 triệu km xuyên không gian để đến được quỹ đạo hành tinh đỏ.
Tàu sẽ mang theo năm thiết bị khoa học do Ấn Độ chế tạo để nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ và tìm xem liệu có nước trên đó hay không.