Một tên lửa của Ấn Độ hôm 28/04/2008 đã phóng cùng lúc kỷ lục tới 10 vệ tinh vào quỹ đạo, chứng tỏ nước này đang nổi lên là đối thủ chính trong thị trường dịch vụ vũ trụ béo bở, có khả năng mang về nhiều tỷ đô la.
Tên lửa PSLV của Ấn Độ |
Theo Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ, đầu tiên, tên lửa PSLV tách và đẩy vệ tinh cảm ứng từ xa của Ấn Độ, Cartosat-2A, có chứa camera độ phân giải cao và các thiết bị khoa học tiên tiến khác, vào quỹ đạo. Sau đó nó tiếp tục tách và đưa một vệ tinh mini nặng 83kg do Ấn Độ sản xuất và một chùm 8 vệ tinh được gọi là vệ tinh nano, nặng từ 3-16kg. 8 vệ tinh này được các viện nghiên cứu của châu Âu, Canada và Nhật xây dựng.
“Sứ mệnh rất hoàn hảo”, G. Madhavan Nair, chủ tịch Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ có trụ sở ở Bangalore cho biết sau vụ phóng được truyền hình trực tiếp.
“Đây là giây phút lịch sử của chúng ta, bởi lần đầu tiên chúng ta phóng được 10 vệ tinh cùng lúc”, ông cho biết, và chúc mừng các nhà khoa học Ấn Độ đã phá kỷ lục phóng 8 vệ tinh của Nga.
Tên lửa PSLV được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota. (Ảnh: AP) |
Lần đầu tiên nước này thực hiện phóng vệ tinh thương mại là vào tháng 4 năm ngoái. Khi đó, họ đã phóng một tàu vũ trụ của Italia. Và vào tháng 1 vừa qua, họ cũng đã phóng một vệ tinh do thám cho Israel vào vũ trụ.
Ấn Độ lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh của mình bằng một tên lửa do chính mình thiết kế vào năm 1980. Khi đó, họ còn chưa nhắm tới mục đích thương mại, mà chỉ để phục vụ cho yêu cầu thông tin liên lạc và truyền hình trong nước. Theo các quan chức Ấn Độ, vệ tinh chính Cartosat-2A được phóng vào sáng nay được đưa tới độ cao 630km so với Trái đất. Nó vừa mang lại lợi ích về kinh tế trong nước vừa được dùng để thu thập thông tin tình báo.