Tiến sỹ Võ Lâm, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học An Giang) đã nghiên cứu thành công đề tài “Phục tráng gà tàu vàng địa phương có sức tăng trưởng cao, chất lượng tốt".
Được triển khai từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2013, đề tài được thực hiện qua các giai đoạn: Điều tra kỹ thuật; chọn mua 200 con giống tại nhiều địa phương huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và huyện Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ); chọn lọc 120 gà bố mẹ có trọng lượng từ 1kg - 1,2 kg/con cho lai cận huyết thống nội bộ; sản xuất chuyển giao giống và phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh chuyển giao đại trà cho nhân dân nhân tạo giống và nuôi lấy thịt.
Tiến sỹ Võ Lâm cho biết kết quả nghiên cứu thành công đã cho ra thế hệ gà tàu vàng F2 có nhiều ưu điểm như lông màu vàng, mồng lá, thịt và chân màu vàng sáng, thơm, dinh dưỡng cao, tăng trưởng nhanh.
Ảnh minh họa: nongdan.com.vn
Khi nuôi để lấy thịt khoảng ba tháng, gà cho trọng lượng 1,5kg - 1,7kg/con, rút ngắn thời gian nuôi xuống một nửa so với các giống gà hiện có. Do không phải gà siêu trứng nên bình quân mỗi năm gà đẻ trên 200 trứng/con, nếu ấp bằng máy đạt tỷ lệ nở trên 80%, giá trị khoảng 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg.
Với sản phẩm đầu tiên, tháng 4/2013, đề tài đã chuyển giao 400 con cho 4 hộ có kinh nghiệm nuôi gia cầm an toàn sinh học tại các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn và 100 con cho Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ An Giang).
Gà tàu vàng đã mất giống ở tỉnh An Giang từ rất lâu nên với việc đề tài được nghiên cứu thành công sẽ phục tráng được giống gia cầm thả vườn đặc sản của vùng đất Nam bộ. Tuy nhiên do mất giống trong thời gian dài nên người tiêu dùng dễ nhầm lẫn với nhiều giống gà hiện có nên bị thương lái đã lợi dụng ép giá chỉ còn 50% so với giá trị thực tế.
Thời gian tới, Đại học An Giang kết hợp với Trung tâm khuyến nông chuyển giao kỹ thuật nuôi và tìm đầu ra cho con giống.