Ăn nhậu nhiều dễ bị goutte

Nhiều người bỗng “nhức đầu” vì khám sức khỏe phát hiện axit uric trong máu tăng cao, nghe nói  sẽ dẫn đến bệnh goutte với hình ảnh các khớp ngón tay chân biến dạng. BS Đào Thị Yến Phi - Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM - cho biết:

 
- Thường có hai nguyên nhân tăng axit uric trong máu. Một, do cơ địa bệnh nhân (BN) thận yếu - hoạt động kém, sỏi thận... sẽ dẫn đến giảm thải axit uric. Một số trường hợp do cơ thể gia tăng tổng hợp axit uric nội sinh, ở những người này phần lớn là hoạt động thể lực quá mức. Hai, do chế độ dinh dưỡng - thường gặp ở những người ăn quá nhiều thịt, hải sản... đồng thời uống nhiều rượu bia làm tăng axit uric ngoại sinh.

Nếu axit uric nội và ngoại sinh tăng, cộng với sự giảm thải axit uric qua đường thận thì sẽ làm tăng axit uric trong máu.

Axit uric bình thường trong huyết thanh ở nam giới là < 6 mg/dl, nữ giới là < 5 mg/dl .Nồng độ tối đa cho phép là < 8 mg/dl. Nếu vượt quá nồng độ này thì axit uric sẽ lắng đọng thành tinh thể ở trong khớp (cơ chế gây nên bệnh goutte, đau khớp) và trong thận.

* Có phải do... ăn quá nhiều thịt? 

- Có thể giải thích một cách đơn giản là purin (được cung cấp nhiều qua các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, gan, cật, đậu đỗ...) đưa từ ngoài vào cơ thể chuyển thành axit uric và được thải qua đường thận.

Thức ăn chứa nhiều axit uric là: phủ tạng động vật, thịt nạc heo, chó, bò..., các loại hải sản như mực, tôm... và một số loại cá, đặc biệt là cá nhiều nạc như cá sông, cá hồi, cá đuối...

Một số loại thực phẩm nguồn gốc thực vật không chứa purin  nhưng lại có tác dụng làm tăng tổng hợp axit uric nội sinh - đó là nấm, măng, đậu, giá. Các loại rượu bia, thức uống có cồn đều làm giảm thải axit uric qua thận. Đặc biệt một số loại bia sử dụng men bia có nguồn gốc từ nấm thì chứa nhiều purin ngoại sinh. Cà phê, chè có những chất oxy hóa cũng sẽ làm tăng sự tạo axit uric.

Ăn bao nhiêu sẽ làm tăng axit uric còn tùy thuộc khả năng thải của thận. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi ngày nên ăn 1 gam chất đạm/kg cân nặng. Ví dụ một người nặng 60kg nên ăn khoảng 60 gam chất đạm/ngày, trong đó gạo cung cấp khoảng 50% , còn lại 30 gam đạm được cung cấp qua khoảng 150 gam  thịt, cá, đậu đỗ... Nhưng đa số người mình ăn quá nhiều thịt (khoảng 400 gam) trong tiệc tối, bữa nhậu... kèm theo 2 - 3 lon bia càng làm tăng nguy cơ.


Hai bàn chân bị goutte (Ảnh: KIM SƠN, TTO)

* Tăng axit uric đến mức độ nào, bao lâu sẽ dẫn tới bệnh goutte?

- Bệnh goutte thường được chia làm bốn giai đoạn:

1 - Giai đoạn tăng axit uric mà không có triệu chứng. Trong những người tăng axit uric này chỉ 5% là chuyển thành goutte. Đa số do ăn uống không hạn chế. Còn những người điều chỉnh chế độ ăn uống tốt thì khoảng 30 năm sau vẫn chưa thấy xuất hiện cơn goutte cấp.

2 - Giai đoạn viêm khớp cấp do cơn goutte cấp: BN đau ở một khớp, đa số là khớp ngón chân cái, đau vào khoảng 2 - 3 giờ  sáng, đau buốt dữ dội giống như ngâm trong nước đá lạnh. Khi cơn đau bắt đầu giảm thì BN thấy lạnh run do sốt cao. Buổi sáng bớt đau, thấy giảm nhưng 2 - 3 giờ đêm sau lại tái phát. Các cơn đau này tái phát trong khoảng hai tuần, sau đó BN thấy chỗ đau bị ngứa, tróc da, rồi khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

3 - Giai đoạn ngừng tiến triển - người bệnh không thấy có vấn đề gì cả... Giai đoạn này khoảng 10 năm.       

4 - Giai đoạn goutte mãn: có suy thận, sỏi thận, có biến dạng ở khớp, lúc đó xuất hiện ở nhiều khớp nhỏ như khớp bàn, khớp ngón chân và tay. Nếu để yên thì không đau, cử động thì đau và cứng khớp.

Đối với phụ nữ thì rất hiếm gặp, chỉ vào độ tuổi mãn kinh.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

KIM SƠN thực hiện

 Kiêng cữ nhiều thứ

Bệnh goutte cấp thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi và nó thường khởi phát sau một bữa ăn nhiều thịt và uống nhiều rượu bia hoặc sau một đợt dùng lâu ngày một loại thuốc nào đó như aspirine, thuốc lợi tiểu...

Để phòng bệnh, nên khám, xét nghiệm 6 tháng/lần. Phát hiện lúc vừa mới tăng axit uric máu thì điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động để đảm bảo không tăng axit uric, tức kéo dài giai đoạn 1, không tiến qua giai đoạn 2. Nếu đã xuất hiện cơn goutte cấp phải khám và theo dõi lâu dài ở các khoa khớp. Đối với bệnh goutte mãn thì theo dõi điều trị kéo dài theo phác đồ của chuyên khoa.

Không thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu không điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Chế độ ăn: nên giảm thịt cá, óc heo, óc bò, nấm, măng..., không uống rượu bia, cà phê, chè. Cần kiêng ăn chua, kể cả rau quả trái cây có vị chua, vì sẽ làm tăng lắng đọng axit uric trong thận. Có người sau một đêm nhậu sáng ra để tỉnh người lại uống một viên vitamin C liều cao càng làm tăng nguy cơ ứ đọng axit uric trong máu.

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video