Kính viễn vọng Rất Lớn chụp được nhiều vòng xoáy ánh sáng ngoạn mục tạo ra bởi những ngôi sao trẻ cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng.
Sao mới sinh ra trong các đám mây khí, nhưng điều gì kích hoạt quá trình này đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Trong một nỗ lực tìm kiếm câu trả lời, nhóm nghiên cứu từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO) và Đại học Heidelberg ở Đức đã quét 16 thiên hà lân cận - cách Trái đất từ 5 đến 60 triệu năm ánh sáng - để tìm kiếm sự ra đời của các ngôi sao.
Những ngôi sao trẻ và khí nóng xung quanh rực sáng như "chong chóng pháo hoa" trong các thiên hà NGC 3627, NGC 1087, NGC 4254, NGC 1300 và NGC 4303. (Ảnh: ESO/ALMA).
Những hình ảnh tuyệt đẹp mới được công bố hôm 16/7 cho thấy thành phần khác nhau của các thiên hà với màu sắc riêng biệt, cho phép xác định chính xác vị trí của các ngôi sao trẻ khi khí xung quanh chúng nóng lên.
"Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích các đơn vị hình thành sao riêng lẻ trên nhiều vị trí và môi trường trong nhiều loại thiên hà khác nhau. Chúng tôi có thể quan sát trực tiếp đám mây khí hình thành sao, cũng như các ngôi sao trẻ và sự tiến hóa của chúng qua nhiều giai đoạn", tác giả chính của nghiên cứu Eric Emsellem từ ESO nhấn mạnh.
Emsellem cùng cộng sự đã sử dụng Máy khảo sát quang phổ đa đơn vị (MUSE) gắn trên Kính viễn vọng rất lớn (VLT) của ESO trên sa mạc Atacama của Chile để theo dõi các ngôi sao "sơ sinh" khi chúng chiếu sáng và làm nóng khí xung quanh.
Kết hợp với dữ liệu hình ảnh từ tổ hợp 66 kính viễn vọng tại Đài thiên văn ALMA, cũng nằm trên một sa mạc ở Chile, nhóm nghiên cứu có thể kiểm tra các vùng thiên hà nơi quá trình hình thành sao đang diễn ra. Quan sát có độ chi tiết cao của Đài thiên văn ALMA "đặc biệt thích hợp" để lập bản đồ các đám mây khí.
"Những hình ảnh thu được thật tuyệt vời, mang đến một cái nhìn đầy màu sắc và ngoạn mục về vườn ươm sao trong các thiên hà lân cận dải Ngân Hà. Có rất nhiều bí ẩn mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ. Có phải các ngôi sao thường được sinh ra ở các vùng cụ thể của thiên hà chủ? Nếu có thì tại sao? Và sau khi các ngôi sao được sinh ra, sự tiến hóa của chúng ảnh hưởng như thế nào đến việc hình thành các thế hệ sao mới?", đồng tác giả Kathryn Kreckel từ Đại học Heidelberg chia sẻ.
Những câu hỏi trên chưa được trả lời trong nghiên cứu này, nhưng Kreckel hy vọng dữ liệu mà họ thu thập có thể được sử dụng bởi các nhà thiên văn học sau này để tìm hiểu thêm về các nguồn năng lượng trong vũ trụ của chúng ta. Nó cũng tạo cơ sở cho các quan sát bằng Kính viễn vọng Cực lớn (ELT) trong tương lai của ESO, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối thập kỷ này, cho phép thấy chi tiết hơn về cấu trúc của các vườn ươm sao.