Vệt sao băng Geminid lao xuống sa mạc, những ngôi sao phát ánh sáng màu xanh dương. Vũ trụ trong tuần qua hiện lên lung linh qua ảnh của National Geographic.
Giống như mũi giáo bằng bạc rơi xuống từ vũ trụ, vệt sao băng trong ảnh xuất hiện phía trên sa mạc Mojave, bang California, Mỹ vào tối 13/12. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn vệt sáng trong trận mưa sao băng Geminid hồi đầu tuần. Các nhà thiên văn vừa ghép nhiều bức ảnh để tạo ra hình ảnh mới nhất về chòm sao trẻ mang tên R136. Chòm sao rực rỡ này nằm trong Large Magellanic Cloud, một thiên hà gần dải Ngân hà. Những đám mây hydro (màu đỏ) và đám mây oxy (màu xanh lục) vây quanh những chấm màu xanh dương sáng lung linh giống như những hạt kim cương. Những chấm màu xanh ấy chính là những ngôi sao cực lớn, với khối lượng gấp vài trăm lần mặt trời. Hai ảnh về vệ tinh Lapetus của sao thổ. Các nhà thiên văn phát hiện ra rằng một bán cầu của vệ tinh này tối hơn bán cầu kia vì có nhiều băng và bụi màu đỏ hơn. Cách đây 300 năm các nhà khoa học đã nhận ra hiện tượng hai mặt có độ sáng khác nhau, nhưng mãi tới gần đây nguyên nhân của nó mới được tìm ra. Hình ảnh mới nhất và sắc nét nhất về tinh vân Flame do kính viễn vọng VISTA gửi về. Kính viễn vọng này, do Đài thiên văn Nam Âu chế tạo, mới hoạt động từ đầu tuần. Camera của nó nặng tới ba tấn và có thể thu được cả ánh sáng nhìn thấy lẫn tia hồng ngoại. Nhờ vậy mà VISTA có thể "nhìn" xuyên qua những đám mây bụi khí trong vũ trụ để chụp ảnh những ngôi sao mới sinh và các thiên thể ở rất xa trái đất. Mỗi ô vuông trong bức ảnh trên đều có một đĩa bụi khí xung quanh một ngôi sao mới sinh trong tinh vân Orion. Theo thời gian bụi khí xung quanh sao sẽ cô đặc và tạo thành thiên thể mới. Orion là vùng tạo sao gần nhất mà con người có thể quan sát bằng mắt thường do các ngôi sao bên trong nó đủ lớn để nung nóng các đám bụi khí xung quanh. 30 đĩa bụi khí trong ảnh nằm trong số 42 đĩa mà kính viễn vọng không gian Hubble chụp được trong nhiều năm. |