Bà mẹ tuổi teen - chuyện thường gặp ở khủng long

Những con bò sát khổng lồ dường như không quan tâm đến việc kéo dài quãng đời tuổi teen vô tư lự, bởi hầu hết chúng trở thành phụ huynh trước khi đến tuổi trưởng thành. Một nghiên cứu gần đây đã xếp khủng long vào danh sách những loài vật mang thai ở tuổi vị thành niên. Các loài khác trong số đó bao gồm cá sấu, thằn lằn và con người.

Phát hiện, được công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội cổ sinh vật học có xương sống ở Austin, bang Texas, Mỹ, cũng phỏng đoán lý do sinh sớm ở nhóm động vật này.

"Khủng long hành động rất giống chúng ta và những loài có xương sống khác. Nếu những loài này phải chờ đến khi lớn hoàn chỉnh mới sinh nở, chúng sẽ có rất ít năm còn lại để sinh đẻ", đồng tác giả nghiên cứu Andrew Lee giải thích.

Lee, hiện làm việc tại Đại học Ohio và cộng sự đã kiểm tra các mẫu xương thu thập từ 3 loài khủng long: khủng long bạo chúa T. rex, Allosaurus và Tenontosaurus. Loài sau cùng có là kích cỡ trung bình, là một bà con ăn cỏ của nhóm khủng long mỏ vịt, trong khi hai loài đầu là những kẻ ăn thịt to lớn. Như thế, các mẫu này đại diện cho một phổ khá rộng.

3 mẫu được kiểm tra có chứa một loại mô xương đặc biệt - tên là medullary - được sử dụng như một kho dự trữ canxi tạm thời trước khi sản sinh lớp vỏ trứng.

Bà mẹ tuổi teen. (Ảnh: Discovery)

Lee cho biết những con chim ngày nay cũng có phần mô tương tự, được hình thành chỉ vài tuần trước khi chúng đã sẵn sàng để tạo trứng. Điều đó có nghĩa là những con khủng long được phân tích là những con cái đang chuẩn bị đẻ trước khi chết. Tuy nhiên vì sao chúng chết thì vẫn còn chưa rõ.

Dựa trên giai đoạn tăng trưởng của khủng long, các nhà khoa học kết luận con T. rex đẻ trứng năm 18 tuổi, Allosaurus đẻ khi lên 10 và Tenontosaurus còn nhỏ hơn nữa, khi 8 tuổi. Điều này là đáng kể nếu bạn biết rằng cả 3 loài này đều chỉ đạt kích cỡ trưởng thành đầy đủ vào năm 17-21 tuổi. Trong khi đó, tuổi đời của chúng từ 25 đến 30 năm.  

Trong một nghiên cứu khác, nhà cổ sinh vật học Gregory Erickson và cộng sự tại Đại học bang Florida cũng cho ra kết quả tương tự, dù dùng kỹ thuật khác. Mặc dù chim là hậu duệ hiện đại của khủng long, nhưng chúng không bao giờ sinh nở khi còn ở tuổi teen. Chúng ngừng lớn và có thể đợi thêm 1 năm nữa, hoặc thậm chí rất lâu, trước khi đẻ trứng.

Lee cho rằng có một vài yếu tố khiến chim thay đổi lối sống so với khủng long. "Khả năng bay có thể là một phần tất yếu của câu trả lời - ông nói - Hầu hết các loài chim cần phải biết bay khi đủ lông đủ cánh, vì thế chúng phải đạt kích cỡ trưởng thành".

Chim cũng cần những kỹ năng sinh tồn tốt hơn, chẳng hạn biết mùa nào có thức ăn dồi dào cho lũ con.

T. An

Theo Discovery, Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video