Ba quốc gia cùng dự định phóng tàu tới sao Hỏa tháng 7

Mỹ, Trung Quốc và UAE tận dụng khoảng thời gian lý tưởng trong năm để đưa tàu vũ trụ tới khám phá hành tinh đỏ.

Vị trí và khoảng cách giữa Trái đất và sao Hỏa không cố định nên giai đoạn thích hợp nhất để bay từ Trái đất đến hành tinh đỏ chỉ lặp lại sau 26 tháng. Tháng 7 đến tháng 8 năm nay chính là giai đoạn không thể bỏ lỡ. Do đó, Mỹ, Trung Quốc và UAE đều quyết định phóng tàu trong khoảng thời gian này, Futurism hôm 6/7 đưa tin. Số lượng và độ phức tạp của các nhiệm vụ cho thấy sao Hỏa có tầm quan trọng lớn trong sứ mệnh khám phá vũ trụ của nhân loại.


Robot Perseverance có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).

NASA dự kiến phóng robot Perseverance tới sao Hỏa trong giai đoạn 30/7-15/8. Perseverance sẽ hạ cánh xuống hố trũng Jezero rộng 45 km vào ngày 18/2/2021. Robot này có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa, thu thập mẫu đất đá và thực hiện một số nghiên cứu khác. Nó cũng mang theo trực thăng tự động nhỏ Ingenuity. Đây sẽ là phương tiện bay đầu tiên cất cánh trên thiên thể khác ngoài Trái đất.

Mỹ từng nhiều lần phóng tàu tới sao Hỏa, trong đó Mariner 4 là tàu vũ trụ đầu tiên thực hiện thành công chuyến bay qua sát hành tinh đỏ (fly-by) vào năm 1965. Những lần phóng tàu này là bước đệm cho mục tiêu xa hơn là đưa người lên sao Hỏa. Ngoài NASA, công ty tư nhân Mỹ như SpaceX cũng đang nỗ lực cho mục tiêu này.


Minh họa trạm đổ bộ của Trung Quốc trên bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: CNN).

Nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn 1, nghĩa là những câu hỏi tới thiên đường, dự kiến khởi hành ngày 20/7-25/7. Thiên Vấn 1 gồm tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot thám hiểm. Robot nhỏ hơn nhiều so với Perseverance và mang theo 6 thiết bị khoa học. Nó sẽ lăn bánh trên bề mặt sao Hỏa, trong khi tàu quỹ đạo nghiên cứu ở khoảng cách xa hơn với tầm nhìn rộng hơn. Con tàu cũng đóng vai trò là trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc. Thiên Vấn 1 sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của hành tinh đỏ.

Năm 2011, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Huỳnh Hỏa 1 để nghiên cứu sao Hỏa nhưng thất bại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành tựu về khoa học vũ trụ trong những năm gần đây, bao gồm việc trở thành nước đầu tiên có phương tiện hạ cánh thuận lợi xuống nửa tối Mặt Trăng. Nếu Thiên Vấn 1 thành công, nước này sẽ nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.


Hope sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên của UAE bay tới hành tinh đỏ. (Ảnh: Futurism).

Ngày 14/7, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dự định phóng tàu quỹ đạo nhỏ mang tên Hope tới sao Hỏa. Con tàu sẽ tiến vào quỹ đạo elip xung quanh hành tinh này và dành ít nhất hai năm để nghiên cứu khí quyển sao Hỏa. Hope cũng trang bị nhiều camera, bao gồm thiết bị cực tím và hồng ngoại, được thiết kế để theo dõi và phân tích khí hậu. Con tàu sẽ không hạ cánh xuống bề mặt hành tinh đỏ.

Với UAE, Hope là nhiệm vụ khám phá sao Hỏa đầu tiên. Đây là một phần trong mục tiêu phát triển những ngành công nghệ cao như công nghệ vũ trụ.

Mọi dữ liệu thu được từ các nhiệm vụ khám phá sao Hỏa, bao gồm ba nhiệm vụ tháng 7 của Mỹ, Trung Quốc và UAE, sẽ góp phần xây dựng bức tranh toàn cảnh và chi tiết về hành tinh đỏ. Trong tương lai xa, một số chuyên gia ôm tham vọng cải tạo sao Hỏa thành nơi con người có thể sinh sống, cuối cùng đưa con người trở thành loài đa hành tinh.

Cập nhật: 08/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video