Đó là nhận định của một nhà khoa học Anh ngày 15-10. Ông cũng cảnh báo hiện tượng băng tan do toàn cầu ấm lên sẽ làm tăng mực nước biển và gây hại đến các loài hoang dã như hải cẩu và gấu trắng Bắc cực.
Theo Peter Wadhams, giáo sư ngành vật lý đại dương tại ĐH Cambridge, trong 10 năm tới phần lớn băng ở Bắc cực sẽ tan chảy vào mùa hè, mặc dù mùa đông băng vẫn còn tồn tại thêm vài trăm năm.
Sự thay đổi này cũng có nghĩa là đỉnh Trái đất nhìn từ không gian sẽ là màu xanh nước biển thay vì màu trắng, và tàu thuyền sẽ có một đường biển mới tới phía bắc Nga.
Các nhà khoa học nhận định hiện tượng tan băng ở Bắc cực là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của hiện tượng toàn cầu ấm lên, và họ sẽ cảnh báo điều này đến các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị của Liên Hiệp Quốc bàn về một hiệp ước khí hậu mới tại Copenhagen (Đan Mạch).
Theo các nhà khoa học Anh, Bắc cực sẽ hoàn toàn không còn băng vào mùa hè trong 20 năm tới - (Ảnh: Reuters) |
“Căn cứ vào sự biến đổi về bề dày và phạm vi của băng theo từng mùa, sự thay đổi nhiệt độ, sức gió và đặc biệt là cấu tạo của băng, chúng tôi cho rằng khoảng 20 năm nữa Bắc cực sẽ hoàn toàn không còn băng vào mùa hè”, giáo sư Wadhams, một trong các chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu băng ở Bắc cực, nói.
Còn theo tiến sĩ Martin Sommerkorn - thuộc dự án Bắc cực của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới, nếu hiện tượng băng tan diễn ra đúng như dự báo có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.
“Biển Bắc cực giữ vai trò trung tâm trong hệ khí hậu của Trái đất. Nếu nó bị mất cân bằng, cả thể giới sẽ bị đột ngột nóng lên" - ông nói "- Điều này có thể gây lũ lụt ảnh hưởng đến ¼ dân số thế giới, tăng đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thời tiết toàn cầu sẽ thay đổi tột độ”.
Một lần nữa hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu được gióng lên.