Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng da của bạch tuộc nhạy cảm với ánh sáng ở giới hạn cuối màu xanh của quang phổ.
Da của bạch tuộc cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng
Nhóm chuyên gia Đại học California, Santa Barbara, phát hiện các protein tương tự trong mắt người ở lớp da của hai loài bạch tuộc, sống ở ngoài khơi California. Các protein này giúp bạch tuộc cảm nhận ánh sáng mà không cần đến mắt hay hoạt động của não.
Cấu tạo đặc biệt của lớp da giúp bạch tuộc cảm nhận được sự thay đổi ánh sáng. (Ảnh: cerebrovortex.com)
"Da bạch tuộc không cảm nhận ánh sáng chi tiết như khi sử dụng não và mắt. Nhưng nó có thể cảm nhận sự gia tăng hay thay đổi của ánh sáng. Nó không phát hiện độ tương phản và các góc cạnh, nhưng nhận biết được độ sáng", UPI dẫn lời Desmond Ramirez, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng tế bào sắc tố phồng lên và co lại để phản ứng với các ánh sáng khác nhau và lớp da nhạy cảm nhất với ánh sáng ở cuối màu xanh của quang phổ.
Tất cả các loài bạch tuộc đều có xu hướng ngụy trang nhờ các bộ phận sắc tố trong da. Nhờ các tế bào sắc tố, con bạch tuộc có thể kết nối khả năng nhìn từ mắt và bộ não.