Bạn đã dùng sản phẩm có bản quyền chưa?

Khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 là lúc với mỗi cuốn sách, mỗi phần mềm bạn dùng đều phải chi một khoản nhất định cho bản quyền. Bạn được lợi hay bị thiệt hại kinh tế khi phải bỏ tiền mua “đồ thật”? Làm sao để vẫn dùng đồ tốt, giá rẻ mà đảm bảo tôn trọng tác giả?...

Khi bản quyền trở thành hệ chuẩn làm việc "pro" 

Một người bạn tôi đang làm việc ở một hãng truyền thông, trong một lần công tác nước ngoài, anh đã update đúng chương trình kiểm soát bản quyền. Đối tác người Ý lập tức dừng cuộc họp và yêu cầu cài đặt phần mềm có bản quyền rồi mới tiếp tục...

Người đọc yêu sách phải tiếp nhận ấn phẩm với tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

95% số người sử dụng Việt Nam dùng “chùa” phần mềm đã đặt chúng ta trước 2 thách thức: một là công nghệ phần mềm và sáng chế trong nước khó phát triển, hai là không được quốc tế thừa nhận. 

Ngày 22 và 26/6, Tòa dân sự TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ nhà báo Phạm Thị Hà kiện NXB Văn hoá – Thông tin. Kết quả NXB này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền khi sử dụng tác phẩm để xuất bản sách mà không xin phép tác giả. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ trong hoạt động xuất bản hiện nay ở nước ta nhưng sẽ là một mốc lớn trước khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2006.

Về vấn đề này, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, PGĐ TT Quyền tác giả Văn học chia sẻ: “Người sáng tạo cũng giống người làm vườn cần mẫn. Người đọc yêu sách phải tiếp nhận ấn phẩm với tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ở những nước tiên tiến, cây bên đường ra quả, không ai hái lượm, quả rụng xuống người ta cũng không nỡ giẫm lên. Họ quan niệm rằng: không nên hái quả nếu chưa trả công cho người vun xới nó”.

Đáp lời bà Luyến, Phan Hoài Nam, SV ĐHKTQD khẳng định: “Bây giờ chúng cháu đã “đọc” khả năng update của mình qua trình duyệt Firefox, nghe nhạc số, đọc “Chiếc Lexus và cây Ôliu…”". Sắp tới cái thời người trẻ nhìn phong cách của người khác qua mức độ tôn trọng bản quyền, khi đó hệ chuẩn pro sẽ là: “Bạn đã dùng sản phẩm có bản quyền chưa?”

Việt Nam hiện có tới 92% người sử dụng sản phẩm chưa mua bản quyền, tính trên tổng thể các sản phẩm: âm nhạc, sách báo… Riêng lĩnh vực phần mềm khoảng 95%. (Theo BSA)

Như vậy, không lâu nữa, những người tiêu dùng, cả đến giới học sinh, sinh viên cũng có thể phải đóng thêm khoản phí đầu năm có tên: phí bản quyền, dùng cho việc photo sách, bài học. Mỗi dịch vụ photocopy phải trả phí bản quyền chung. Đọc sách tại thư viện cũng trả phí bản quyền… Một cuốn sách hay một phần mềm bạn sử dụng đều buộc phải chi một khoản phí nhất định cho bản quyền.

Chính phủ sẽ chặt tay trong quản lý sở hữu trí tuệ nhằm xúc tiến đàm phán gia nhập WTO, phát triển kinh tế và nâng vị thế của Việt Nam. Rất có thể một ngày bất chợt có người sẽ gõ cửa máy tính của bạn và kiểm tra phần mềm của bạn có bản quyền chưa. Có thể bạn đang chọn mua sách mới "giảm giá hết cỡ" tại Đinh Lễ (Hà Nội) thì quyển sách của bạn bị thu hồi như kiểu bạn đang lưu hành hàng trốn thuế…

Người tiêu dùng trẻ nói gì?

* Lê Đôn Khuê, sinh viên K50 CA ĐH Công Nghệ:

Bản thân tôi dùng bản win licence, cảm thấy sướng khi update thoải mái. Nhưng đấy là laptop có sẵn chứ nếu không thì chắc tôi cũng mua đĩa 8k. Ngay ở nước ngoài bạn tôi cũng dùng unlicence ầm ầm. CA chỉ kiểm tra định kỳ thôi.

Phải có hệ thống ngân hàng và tài khoản phát triển thì việc mua bán phần mềm mới rõ ràng và có thể kiểm soát. Cái này thì cơ sở hạ tầng ở VN chưa phát triển kịp.

* Trần Trung Kiên, ĐH Cergy Pontoise - Pháp:

Ở Pháp, 1 đĩa Win XP là 300 euro. Mức giá này so với VN quá cao, chưa thể áp dụng được. Vấn đề quan trọng hơn là ý thức người dân, họ coi đó là một vấn đề hiển nhiên, là 1 thói quen.

So sánh với 1 cái đĩa 10k có cả đống phần mềm thì có giảm mức giá bản quyền xuống tối thiểu cũng chẳng ai mua. Còn bên này, bạn cùng lớp tôi, đứa nào có tiền thì bỏ ra mua phần mềm để sử dụng, không có tiền thì lên trường dùng máy tính có cài sẵn-đâu ra đấy cứ răm rắp.

* Nguyễn Mạnh Cường, khoa Toán - Tin, ĐH KHTN:

300$ là giá bình thường chứ các phiên bản cho chuyên gia giá cả 1000$. Giảm được giá xuống thì vẫn làm sao rẻ bằng đĩa lậu. Hơn thế, nếu giá áp đặt cho các đối tượng, các vùng khác nhau thì mọi người sẽ đến chỗ nào mua rẻ nhờ mua hộ rồi gửi CD-key cho mình cài.

Nghĩa là, dân mình sẽ tìm mọi cách lách luật. Còn các Công ty VN cũng sẽ chưa mua vội, họ chờ xem sẽ phạt nhẹ hay không phạt? v.v… kiểu đội mũ bảo hiểm. Trừ khi Microsoft tặng thêm nhiều dịch vụ siêu hấp dẫn khi mua bản quyền mới có thể áp dụng luật hiệu quả trên mọi đối tượng(!).

* Nguyễn Văn Thạch, ĐH Nông nghiệp HN:

Mới đây, tôi còn nghe có vụ một giáo sư trong trường ĐH nào đó vì sử dụng tài liệu dịch của một người khác vào làm giáo trình của mình và tự đề tên rất oai bên mấy chữ “biên soạn” nên bị kiện. Giáo sư mà còn thế, tức là rất nhiều giáo trình cho SV học vi phạm luật nghiêm trọng vì tôi thấy các thầy trích sách này sách kia, báo này báo nọ tùm lum.

* Hoàng Chung – SV Triết học:

SV đã quen với việc chạy ù ra cổng trường photo tài liệu vô tư. Sách trên mạng cũng nhiều vô kể. Có biết bao siêu thị sách miễn phí download, bao nhiêu phần mềm hack file mà chỉ tốn vài ngàn internet Sách lậu thì bán đầy đường với biển hấp dẫn như giảm 45-50% giá bìa. Chất lượng sách cũng tốt, giấy đẹp, trao tay vài lần là coi như cất lên giá, ít dùng. Vậy thì với túi tiền hẻo nhưng ham học hỏi, SV đành chấp nhận mua sách phạm luật.

Chuyên gia lên tiếng

* Ông Đỗ Huy Hoàng, GĐ Marketting của Microsoft Vietnam: Cái lợi nằm ở cách sử dụng công nghệ

Một desktop hiện đại không nằm ở các trình duyệt mới nhất luôn update, setup nhiều chương trình mà nằm chính tại cách sử dụng công nghệ của mỗi cá nhân.

Nếu biết cách sử dụng công nghệ, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và có nhiều lợi ích khác. Ví dụ: Bạn trả tiền cho một công cụ công nghệ đã hỗ trợ, đào tạo bạn. Giả sử nhấc điện lên gọi, mất chi phí cho điện thoại; cất lưu trữ trên máy, khi search là mất khoản tiền cho thời gian lao động bỏ ra…

Thay vì nhấc điện lên mà có công cụ chat YM thì nội bộ doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiều chi phí. Hoặc một công ty muốn mở lớp training phải phòng riêng, thuê giảng viên...Còn học trực tuyến thì tiết kiệm đủ thứ…

Muốn save file âm nhạc chất lượng cao thì phải down Window Media 11. Mà phần mềm này kiểm soát bản quyền. Tiến tới, phần mềm mới sẽ tự động kiểm soát bản quyền. Nếu nghĩ là: Tôi bỏ tiền để mua bản quyền, sẽ chỉ nhìn thấy tiền từ túi đi ra.

Người trẻ đang sáng chế kiểu gì? Câu trả lời là bán lúa non. Tôi biết hiện có nhiều bạn trẻ ham mê sáng chế đã làm ra các phần mềm như: dự báo thời tiết trên ĐTDD, chơi cờ tướng… Và các bạn vẫn sáng tạo các sản phẩm trên các chương trình như Photoshop, Autocad… chưa mua bản quyền, khi thành sản phẩm thì chuyền tay nhau sử dụng, sao chép...

Như vậy, cách suy nghĩ về bản quyền không nghiêm túc (chỉ làm để chơi). Cách sử dụng công nghệ không nghiêm túc (làm trên các phần mềm coppy, sao chép lại một số công đoạn). Làm ra mà không được sẽ chán, như thế chẳng khác nào bán lúa non.

* Bà Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ, PGĐ TT Quyền tác giả Văn học Việt Nam: Lỗi không ở người đọc mà ở tổ chức đọc.

Người làm sách, bán sách không quan tâm đúng mức tới quyền của chính tác giả viết sách như thế thì văn hoá đọc làm sao có đất phát triển? Lớp trẻ không có lỗi trong việc đọc hay mua sách lậu.

Mà cần phải xác lập một trật tự mới trong quản lý và thực thi quyền tác giả của VN. Quan trọng nhất là bộ máy giám sát các đầu nậu này. Trong đó có các tổ chức đại diện bảo vệ quyền tác giả, sâu sát hơn để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên. Kiểu như mỗi tác giả có một luật sư, bác sĩ luôn quan tâm, không phải lo nghĩ việc bếp núc xuất bản, chỉ phải lo việc sáng tạo và hội nhập tốt.

5 cách rẻ cho việc sử dụng phần mềm có bản quyền

- Mua máy tính và nhắc cửa hàng cài đặt phần mềm có bản quyền. Thêm vào chi phí lắp máy khoảng 100$, thay vì bỏ ra khoảng 300$ nếu tự mua và cài.

- Sử dụng máy tính và phương tiện của nhà trường.

- Nhóm SV với nhu cầu công việc. Ví dụ nhóm 3 SV Kiến Trúc, phân ra mua 3 chương trình có bản quyền, người chuyên cad, người photoshop… Giống kiểu đi xe đạp, ô tô, máy bay. Ai cũng trang bị đủ bộ phương tiện nhưng có đôi khi chỉ cần đi xe đạp là đủ.

- Đầu tư đúng với nhu cầu: Nếu dùng các phiên bản mới nhất: Window XP pro 150$, LacViệt 20$, Office pro 200$, bộ gõ miễn phí, tổng là 360 $/máy tính.

- Nhưng nếu chỉ dùng các phiên bản đời thấp, liệt kê rõ nhu cầu: Internet, email, văn bản, bảng tính, nghe nhạc, game, phim… Tuỳ theo nhu cầu ấy, mất bao tiền là nghiêm túc, sẽ chỉ mất khoảng 90$ mà vẫn tốt.


M.T- D.N- Chi Lê

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video