Báo động ngộ độc từ lá cây rừng

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30 bệnh nhân ngộ độc do ăn lá cây rừng. Có 3 bệnh nhân bị tử vong do đưa đến viện khi đã quá muộn.

Ăn lá do thói quen

Gần đây nhất, ngày 20-6-2006, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình tiếp nhận bốn bệnh nhân: Bùi Duy Phan - 21 tuổi, Đào Mạnh Chung - 33 tuổi, Bùi Văn Phục - 29 tuổi, Bùi Văn Khuyến - 41 tuổi. Họ đều là công nhân Lâm trường Sông Đà bị ngộ độc lá cây rừng. Do chậm trễ nên nạn nhân Bùi Duy Phan đã chết trên đường đến bệnh viện.

(Ảnh minh họa: truk)
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Lâm trường Sông Đà cho biết: Lâm trường cử 4 người lên khe suối Mang, xã Thung Nai (Cao Phong) phát vệ sinh rừng. Quá trình lao động ở đây bốn công nhân này đã đun nước uống bằng cây rừng. Sau khi uống khoảng 20 phút, cả 4 người đều thấy cơ thể có biểu hiện bất thường: mệt mỏi, tức ngực khó thở...

Chị Bùi Thị Vượng ở xã Cuối Hạ có bốn người con: Bùi Văn Thông - 15 tuổi, Bùi Văn Thích - 11 tuổi, Bùi Văn Tịnh 6 tuổi và Bùi Văn Tân - 2 tuổi vừa phải đi cấp cứu vì ngộ độc lá du mại. Đến nay tuy các thành viên trong gia đình đã qua cơn nguy kịch nhưng nỗi khiếp sợ vẫn chưa tiêu tan. Chị Vượng ân hận kể, bản thân chị cũng không ngờ thứ lá giống như lá thuốc lào, có vị chua chát, dìu dịu ấy đã suýt cướp đi tính mạng của đứa con trai út 2 tuổi còn chị và 3 đứa con lớn cũng khó lòng cữu chữa nếu không được đưa đi viện kịp thời. Nguyên do là chị đã dùng lá du mại nhồi lẫn với món dồi chó để cải thiện bữa ăn. Nghe nhiều người trong xóm nói dùng lá cây du mại cho vào dồi chó thì ăn ngon hơn nên chị đã làm theo.

Bác sĩ Đỗ Đình Vận – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện tỉnh cho biết ở nhiều địa phương thuộc tỉnh, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, bà con vẫn ưa thích dùng một số loại lá cây rừng để làm lá ăn ghém, nấu lẫn với thức ăn hoặc đun nước uống. Trong đó, lá cây du mại là lá được sử dụng nhiều trong món dồi chó ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi...

Trước thực trạng nhiều người bị ngộ độc, năm ngoái Viện Khoa học Hình sự đã tổ chức nghiên cứu tại hai huyện Lương Sơn, Kim Bôi. Họ đã phát hiện trong cơ thể nhiều người dân ở đây thiếu một loại men có tên là G6PD dẫn đến sức bền của bề mặt hồng cầu kém. Khi ăn lá cây du mại sẽ dễ gây phá vỡ hồng cầu, bệnh nhân có triệu chứng đi tiểu đen, suy thận, suy gan, tan máu. Có bệnh nhân khi nhập viện, lượng hồng cầu trong máu chỉ còn 70.000 - 80.000 trong khi cơ thể người bình thường có hàng triệu hồng cầu nên rất khó cứu.

Khó chữa

Cũng theo bác sĩ Vận thì khó khăn nhất trong việc xử lý các ca ngộ độc này là việc xác định độc chất gây bệnh nên không tìm ra được chất đối kháng. Hiện tại, ngành y tế miền bắc chưa đủ tiềm lực trang bị thiết bị tìm độc chất bởi giá của nó cực kỳ tốn kém (200 - 300 tỷ đồng). Một số ít trường hợp khó đành phải trông chờ vào Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an xác định.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc lá cây rừng theo triệu chứng vẫn là cách cứu chữa duy nhất tại bệnh viện tỉnh. Khi bị ngộ độc, người bệnh thường gặp rối loạn về các hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh, bị co giật... Căn cứ vào biểu hiện đó, các bác sĩ dùng thuốc vận mạch, cấp cứu thần kinh, tiếp đó là đưa nước vào cơ thể để thải độc. Thông thường, bệnh nhân phải nằm viện ít nhất 1 tuần để hồi phục, kèm theo đó là hàng loạt các chi phí điều trị mà người bệnh có gia cảnh ngặt nghèo sẽ khó lòng kham nổi. Chỉ tính riêng chi phí cho việc xét nghiệm, truyền dịch, thuốc hỗ trợ đã tốn ngót bạc triệu.

Đối với những ca nặng, chi phí lên tới hàng chục triệu đồng thì với người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa là vô cùng nan giải, chẳng khác nào đưa cả gia đình vào chỗ nợ nần, khánh kiệt. Đã có chuyện một bệnh nhân ở xã vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc trốn viện do không có khả năng chi trả viện phí.

Những nạn nhân phải nhập viện vì ăn lá cây có độc theo thống kê của bệnh viện chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Vì rằng, bệnh nhân có biểu hiện kéo dài, bệnh nặng mới tìm đến thầy thuốc, còn nhiều trường hợp khác bị ngộ độc nhẹ như tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa thì điều trị tại nhà là chính.

Theo một số người có kinh nghiệm, cùng một loại lá cây lạ, người dân có thể ăn lần này không sao nhưng lần khác lại bị ngộ độc.

Xin một lần nữa khuyến cáo bà con địa phương nên thận trọng khi dùng lá cây lạ trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với ngành y tế và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở địa phương giúp bà con các dân tộc hiểu được tác hại khó lường của việc sử dụng lá cây lạ. Các trạm y tế xã, lực lượng y tế thôn bản quan tâm hơn nữa tới việc phát hiện, đồng thời mau chóng chuyển người bệnh đến viện để có hướng điều trị sớm. 

Theo Khoa học phát triển, Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video