Khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang khiến Bắc Băng Dương bị axít hóa với tốc độ nhanh hơn các đại dương khác trên Trái Đất là kết quả một nghiên cứu quốc tế vừa được công bố tại Canada ngày 6/5.
Kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy quá trình axít hóa đại dương diễn ra khi nước biển hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2. Các khí hòa tan tạo thành một axít yếu và có thể thay đổi độ pH của cả một vùng biển lớn.
Tiến trình axít hóa tại Bắc Băng Dương trở nên rõ rệt hơn các vùng biển khác do nước lạnh có khả năng hấp thụ khí CO2 nhanh hơn nước ấm, các vùng biển Bắc Cực tiếp xúc nhiều hơn với bầu khí quyển, trong khi lượng băng giảm sút và một lượng nước ngọt lớn đổ ra từ các con sông lớn như sông Mackenzie của Canada và Lena của Nga đã làm giảm đáng kể khả năng ngăn chặn axít hóa của biển này.
Ảnh: Sfgate.com
Hậu quả là một số vùng biển Bắc Cực hiện có nồng độ axít ở ngưỡng khiến một số loài sinh vật biển gặp khó khăn trong việc tạo lớp vỏ, có cấu tạo chủ yếu là chất vôi giàu kiềm.
Những tác động đang trở nên rõ ràng tại các vùng biển Bắc Cực của Canada, trong đó có Biển Beaufort Sea.
Khoảng 10% lượng hải sản của thế giới được đánh bắt tại Bắc Băng Dương và các thổ dân miền Bắc của Canada chủ yếu sinh sống nhờ các nguồn hải sản.
Nhà nghiên cứu Rashid Sumalia thuộc trường đại học University of British Columbia, một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết Bắc Băng Dương là các vùng biển nhạy cảm nhất liên quan đến phản ứng axít hóa đại dương và sẽ là đại dương đầu tiên trải qua quá trình axít hóa toàn lưu vực.
Điều đó khiến Bắc Băng Dương trở thành một hệ thống cảnh báo sớm cho các đại dương khác trên trái đất.
Trong 200 năm qua, mức axít trung bình tại các đại dương trên thế giới đã tăng 30% và theo khuyến nghị của nghiên cứu trên, điều duy nhất mà thế giới có thể làm để giải quyết vấn đề axít hóa các đại dương làm giảm việc thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu trên là nghiên cứu đầu tiên về tiến trình axít hóa Bắc Băng Dương và dự kiến được trình bày tại một hội nghị Hội đồng Bắc Cực sắp tới diễn ra tại Thụy Điển. Trong nhiệm kỳ tới, Canada sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2 năm của hội đồng này.