Bảo mẫu robot Trung Quốc chăm sóc thai trong tử cung nhân tạo

Trang bị công nghệ AI, bảo mẫu robot có thể theo dõi, chăm sóc, thậm chí đánh giá và xếp hạng phôi thai khi nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm.

Nhóm nghiên cứu ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, cho rằng tử cung nhân tạo để các bào thai phát triển an toàn và bảo mẫu robot giúp theo dõi, chăm sóc chúng, đều khả thi trong tương lai với điều kiện luật pháp cho phép. Đây có thể là bước đột phá cho tương lai sinh đẻ ở một quốc gia đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhiều thập kỷ, SCMP hôm 30/1 đưa tin.

Cụ thể, các chuyên gia đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể theo dõi và chăm sóc phôi trong quá trình chúng phát triển thành thai nhi ở môi trường tử cung nhân tạo. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Biomedical Engineering.


Tử cung nhân tạo với bảo mẫu AI. (Ảnh: Viện Kỹ thuật Y sinh và Công nghệ Tô Châu)

Trong nghiên cứu, bảo mẫu AI này mới chỉ chăm sóc một lượng lớn phôi động vật. Tuy nhiên, công nghệ tương tự có thể cho phép phụ nữ không cần mang thai. Thay vào đó, thai nhi sẽ phát triển bên ngoài cơ thể một cách an toàn và hiệu quả.

Tử cung nhân tạo hay "thiết bị nuôi cấy phôi dài hạn" là một bể chứa với các phôi thai chuột phát triển trong những khoang chứa đầy chất lỏng giàu dinh dưỡng, theo nhóm nghiên cứu dẫn dắt bởi giáo sư Sun Haixuan tại Viện Kỹ thuật Y sinh và Công nghệ Tô Châu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

Trước đây, quá trình phát triển của mỗi phôi phải được quan sát, ghi chép và điều chỉnh thủ công. Việc này tốn nhiều công sức và không bền vững khi quy mô nghiên cứu tăng lên.

Bảo mẫu robot có thể theo dõi phôi thai một cách chi tiết chưa từng có, cả ngày lẫn đêm. Công nghệ AI giúp phát hiện những dấu hiệu thay đổi nhỏ nhất trên phôi và điều chỉnh lượng CO2, dinh dưỡng và các yếu tố đầu vào của môi trường.

Hệ thống thậm chí có thể xếp hạng các phôi theo sức khỏe và tiềm năng phát triển. Khi một phôi thai xuất hiện khiếm khuyết lớn hoặc chết, hệ thống sẽ cảnh báo kỹ thuật viên để lấy nó ra khỏi khoang chứa giống như tử cung.

Luật pháp quốc tế hiện nay cấm nghiên cứu thử nghiệm trên phôi thai người quá hai tuần tuổi. Tuy nhiên, việc nghiên cứu những giai đoạn sau rất quan trọng vì vẫn còn nhiều bí ẩn chưa giải đáp về sinh lý học của sự phát triển phôi thai người điển hình, theo Sun và đồng nghiệp.

Họ cho biết, công nghệ mới không chỉ giúp hiểu thêm về nguồn gốc sự sống và sự phát triển phôi thai người, mà còn cung cấp cơ sở lý thuyết để giải quyết các dị tật bẩm sinh và những vấn đề sức khỏe sinh sản lớn khác.

Bảo mẫu robot có thể nhận diện, theo dõi phôi thai và chụp ảnh siêu sắc nét với các độ sâu khác nhau bằng cách chuyển đổi nhanh các loại ống kính, theo nhóm nghiên cứu Tô Châu. Công nghệ AI cũng cho phép robot phát hiện và học hỏi từ những hiện tượng mới mà con người có thể không thấy hoặc không chú ý. Điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình tối ưu hóa và lặp lại công nghệ nuôi cấy phôi dài hạn trong phòng thí nghiệm.

Trung Quốc đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh, số trẻ sơ sinh giảm gần một nửa trong 5 năm kể từ năm 2016. Mức tăng dân số ròng năm ngoái thấp nhất trong vòng 6 thập kỷ, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ trẻ Trung Quốc ngày càng bỏ qua những ưu tiên truyền thống về hôn nhân và con cái, bất chấp chính sách một con đã bị xóa bỏ và nhà nước đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích.

Thực tế, tỷ lệ sinh thấp là mối quan tâm trên toàn thế giới, đặc biệt là với các xã hội phát triển. Khi Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX, châm ngòi cho một cuộc thảo luận trên mạng xã hội về "sự sụp đổ dân số" vài tuần trước, một số chuyên gia công nghệ đã cho rằng tử cung trong phòng thí nghiệm là giải pháp tốt vì sẽ giảm bớt đau đớn, rủi ro và chi phí sinh con cho phụ nữ.

Cập nhật: 02/02/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video