Bão Pabuk sẽ gây mưa lớn, giông lốc ở Nam Bộ

Không đổ bộ vào đất liền nhưng hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Sáng 2/1, tâm bão Pabuk cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 460 km, cách Côn Đảo khoảng 360 km về phía Đông Nam. Sức gió tối đa khoảng 75km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp.

Ngày và đêm nay, Pabuk đi theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Sáng mai, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200 km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 270 km về phía Nam Tây Nam.

Vẫn giữ nguyên tốc độ và hướng di chuyển, Pabuk được dự báo có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 4/1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 320 km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 220 km phía Tây Tây Nam. Sức gió tối đa khoảng 90 km/h, (cấp 9), giật cấp 11 và có thể mạnh thêm.

Hướng đi của cơn bão tương tự với dự báo của các đài Mỹ, TSR (Đại học London) trước đó - tức chệch xuống phía Nam, sượt qua mũi Cà Mau chứ không vào đất liền các tỉnh Nam Bộ.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tương thủy văn quốc gia cho hay, bão không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu bão rộng, gây gió mạnh khu vực ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau cấp 6-7; khu vực biển Tây từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió mạnh cấp5.


Hướng đi của bão Pabuk theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Pabuk, hôm nay và hai ngày tới khu vực đất liền các tỉnh Nam Bộ có mưa lớn trên diện rộng. Nguy cơ xảy ra giông, lốc xoáy, gió giật mạnh.

Lượng mưa ở miền Đông Nam Bộ 40-80 mm, Tây Nam Bộ 70-150 mm mỗi đợt; riêng các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang mưa rất lớn (150-200 mm mỗi đợt).

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, không khí lạnh phía Bắc có cường độ mạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến khí hậu các tỉnh Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng se lạnh, nhiệt độ giảm còn 22-25 độ C. Thời tiết này duy trì đến ngày mai.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa lớn, lượng phổ biến 50-100 mm trong 24 giờ. Riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nơi trên 150 mm.

Trong hôm nay và ngày mai, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió tối đa cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (gồm cả huyện đảo Phú Quý), các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện Côn Đảo) có gió giật cấp 9.

Không khí lạnh khiến khu vực Bắc và giữa Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc tối đa cấp 7, giật tăng hai cấp; biển động mạnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết biên phòng các địa phương đã thông báo cho trên 76.000 phương tiện với 400.000 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Cà Mau hiện có 105 tàu trong vùng nguy hiểm. Trong đó 25 tàu ở Hòn Khoai là khu vực gần bờ nên có thể di chuyển về đất liền. 80 tàu ở Hòn Chuối, cách xa bờ, địa phương đang yêu cầu ngư dân lên đảo tránh trú. Ngoài ra, có 10 tàu với 93 lao động của Bình Định, Vũng Tàu trú tại Malaysia. Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 tàu bị chìm, nhưng chưa có thông tin thiệt hại về người.

5 tỉnh đã cấm biển gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu (cấm biển Côn Đảo), Bến Tre, Kiên Giang. Ban chỉ đạo trung ương đề nghị 5 tỉnh thành gồm TP HCM, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng căn cứ tình hình tổ chức cấm biển.

Ông Nguyễn Long Hoai (Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau) cho biết, bão đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vùng biển và phần đất liền của tỉnh. Tỉnh đã cấm biển từ trưa qua. Hơn 2.500 tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn, khoảng 1.000 chiếc còn hoạt động đang được kêu gọi vào bờ.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển tìm nơi trú tránh, và tuyệt đối không để người ở lại trên các chòi canh đáy ở ngoài biển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiệm vụ rà soát đội tàu cứu hộ, cứu nạn; đồng thời liên hệ với Hải quân Vùng 5, và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để phối hợp bố trí phương tiện, lực lượng ứng cứu khi có tình huống xấu.

Hiệu trưởng các trường học, đặc biệt các trường ven biển thường xuyên theo dõi thông tin bão, nhằm kịp thời xử lý trong các tình huống khẩn cấp.


Hơn 2.000 tàu thuyền ở Cà Mau đã vào nơi neo đậu an toàn trong sáng 2/1. (Ảnh: Hoàng Hạnh).

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 13h30 hôm nay tỉnh sẽ cấm biển. Hơn 10.000 tàu thuyền được hướng dẫn tìm nơi tránh trú bão. Các huyện được giao hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, ứng phó bão.

4 huyện U Minh Thượng, An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận có khoảng 100.000 hecta lúa đang vào vụ thu hoạch. "Nếu xảy ra mưa lớn bà con sẽ khó thu hoạch. Chúng tôi đang theo dõi sát vấn đề này, tránh để người dân bị thương lái lợi dụng để ép giá", ông Tâm cho biết thêm.

Cập nhật: 02/01/2019 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video