Nếu để trong ngăn đá tủ lạnh, sữa mẹ có thể được bảo quản trong 2 tuần. Vì vậy, các bà mẹ mới đi làm trở lại sau sinh vẫn có thể cho con bú hoàn toàn trong nửa năm đầu như khuyến cáo của ngành y tế.
Hướng dẫn cách vắt và bảo quản sữa mẹ chuẩn
Bảo quản
Nếu kiên trì vắt sữa và biết cách bảo quản, bé vẫn có đủ sữa để ăn khi mẹ đi làm. Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.
Sữa mới vắt trong nhiệt độ phòng có thể được bảo quản trong một khoảng thời gian tương đối dài:
- Đến 4 giờ ở 27 độ C.
- Đến 10 giờ ở 21độ C.
- Đến 24 giờ ở 16 độ C, ví dụ trong túi đá lạnh.
Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.
Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.
Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.
Khi bạn làm lạnh sữa, chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa trở lại, bạn nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này.
Làm ấm sữa
Lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ, tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng con bạn. Do đó, không nên làm ấm sữa mẹ bằng lò vi sóng.
Nên đặt bình sữa vào chén nước ấm, hoặc dưới vòi nước ấm, và làm ấm đến nhiệt độ phòng. Trẻ sơ sinh có thể từ chối uống sữa mới lấy ra từ tủ lạnh, nhưng sữa này không có hại.
Có thể cho trẻ dùng lại lượng sữa mẹ còn thừa ở cữ trước hay không?
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này. Tuy nhiên, các bà mẹ có thể cất vào tủ lạnh lượng sữa mẹ còn thừa mà trẻ chưa uống hết và cho uống tiếp vào cữ sữa kế tiếp. Nếu có vấn đề gì nghi ngờ, tốt nhất bạn nên bỏ lượng sữa thừa này đi.
Sau khi làm tan sữa đông lạnh bằng cách đặt bình sữa vào chén nước ấm, bạn có thể tiếp tục bảo quản ở tủ lạnh thêm 24 giờ nữa, nhưng không nên làm đông đá lần thứ hai.
Tại sao sữa mẹ đông lạnh đôi khi có mùi khi rã đông?
Lipase là một loại men tiêu hóa chất béo, vẫn còn hoạt tính trong khi sữa mẹ được làm đông lạnh. Một số bà mẹ có hàm lượng men lipase trong sữa cao và khi làm tan đông, sữa của những bà mẹ này thường có mùi và nếm có vị của xà phòng. Sữa này không có hại gì cho trẻ, nhưng trẻ thường không thích và từ chối bú.
Trong trường hợp này, bạn có thể đun sôi nhẹ sữa (khoảng 82 độ C) trước khi lưu trữ để làm bất hoạt men lipase, đến khi có những bọt nước nhỏ ở xung quanh nồi là được. Sau đó, bạn làm lạnh nhanh và lưu trữ.